Huy động nhân lực tham gia chống dịch
Theo Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hôm nay 31/12, khi nhân lực của đơn vị, địa phương không đáp ứng được yêu cầu chống dịch, ngoài việc điều động người có chuyên môn phù hợp, cấp có thẩm quyền được phép huy động các lực lượng khác tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19.
Đó có thể là người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam (bao gồm cả người nước ngoài) không chỉ ở chuyên ngành hồi sức, nội, truyền nhiễm mà tất cả chuyên ngành; người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền sở tại cấp phép hành nghề, không cần chứng chỉ ở Việt Nam.
Các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cũng được quyền huy động sinh viên, học sinh, học viên của các trường thuộc khối ngành sức khỏe; người thuộc nhóm được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh nhưng chưa được cấp, tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19.
Trước đó, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã huy động lực lượng tham gia xét nghiệm trên diện rộng, trong đó có nhóm chưa phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Việc Thường vụ Quốc hội cho phép điều động, sử dụng nhân lực không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề và hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ, sẽ kịp thời giải quyết vướng mắc này trong thực tiễn.
Chính sách đối với người được điều động phòng, chống dịch
Trong thời gian điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế, người được huy động tham gia phòng, chống dịch hưởng tiền lương, tiền công, phụ cấp theo mức hiện hưởng từ Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước.
Lực lượng này cũng được hưởng các chế độ phòng, chống dịch Covid-19 nếu tham gia nhiệm vụ trong thời gian điều trị bệnh.
Kinh phí phòng, chống dịch
Khoản chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập được bảo đảm từ ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, chi trả của người sử dụng dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác.
Trong đó, ngân sách Trung ương bảo đảm đối với cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do Trung ương thành lập, không bao gồm phần ngân sách địa phương đã hỗ trợ cho cơ sở.
Ngân sách địa phương bảo đảm đối với cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do địa phương thành lập. Trường hợp ngân sách địa phương không bảo đảm được thì Trung ương hỗ trợ.
Chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19
Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người nhiễm Covid-19 tại cơ sở y tế công lập thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 268 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, ngân sách nhà nước chỉ trả các khoản điều trị liên quan Covid-19, còn chi phí điều trị bệnh nền thực hiện theo quy định khác.
Trường hợp cơ sở y tế không bóc tách được chi phí khám, chữa bệnh Covid-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn, hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả do nguyên nhân bất khả kháng, Thường vụ Quốc hội cho phép dùng ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ.
Việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh Covid-19 tại cơ sở y tế tư nhân (do chính quyền địa phương cấp tỉnh giao nhiệm vụ), thực hiện theo mức thanh toán của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng cao nhất đóng trên địa bàn.
Khám bệnh, chữa bệnh từ xa
Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện khám, chữa bệnh từ xa cho người bệnh Covid-19, người không thể tiếp cận cơ sở y tế do dịch bệnh. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa được thực hiện thông qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác có ứng dụng công nghệ thông tin.
Người hành nghề và cơ sở khám, chữa bệnh từ xa phải chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán, chỉ định, thực hiện phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc của mình.
Hoạt động khám, chữa bệnh từ xa phải được thực hiện bởi người đã được cấp chứng chỉ hành nghề và cơ sở có giấy phép hoạt động; đáp ứng các yêu cầu về trang thiết bị y tế, hạ tầng thông tin.
Quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong đại dịch Covid-19
Thường vụ Quốc hội đồng ý để Bộ trưởng Y tế xem xét, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu đối với những nguyên liệu đã nhập về với mục đích khác. Những nguyên liệu này được dùng để sản xuất thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành và có chỉ định sử dụng phòng, điều trị Covid-19.
Việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc điều trị Covid-19 (không bao gồm vaccine) cũng được quy định thời gian thực hiện cụ thể, như 10 ngày với thuốc sản xuất ở nước ngoài đã được cấp phép lưu hành; cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp... bởi một trong các cơ quan quản lý dược chặt chẽ do Tổ chức Y tế thế giới công bố.
Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong thời gian từ 30/12/2021 đến trước 31/12/2022 mà không kịp thời gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của Covid-19, thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2022. Quy định này nhằm bảo đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Bình ổn giá trang thiết bị y tế
Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể mặt hàng áp dụng biện pháp này.
Nghị quyết trên có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12; riêng quy định về kinh phí chi thường xuyên tại cơ sở thu dung, điều trị; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh và chính sách đối với người được điều động tham gia chống dịch áp dụng từ ngày 1/1/2021.