Chủ nhật, 19/1/2025
Thứ ba, 21/2/2017, 16:45 (GMT+7)

Nhà máy chế biến gạo hiện đại với vốn đầu tư 12 tỷ đồng

Dây chuyền khép kín gồm máy bóc vỏ trấu, lọc sạn, xát trắng, máy đánh bóng gạo, cân điện tử tự động..., giúp công ty chế biến gạo tại Đăk Lăk tạo ra sản phẩm bóng, đều, đẹp, đảm bảo chất lượng lại không tốn sức người.

Công ty TNHH một thành viên Cà phê 721 tại thôn 11 xã Cư Ni, huyện Eakar, tỉnh Đăk Lăk thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam; được thành lập trên cơ sở trưng thu, tiếp quản các đồn điền của chế độ cũ. Trong số 658 ha đất được Nhà nước giao quản lý, công ty dành 254 ha để trồng lúa nước, còn lại là quy hoạch trồng chuyên canh cà phê. Diện tích canh tác lúa đều được công ty giao khoán cho công nhân, người dân tại địa phương theo Nghị định Chính phủ.

Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện theo phương pháp sản xuất truyền thống, giá trị sản phẩm lúa gạo của công ty không cao, giá thành bán ra thấp. Mặt khác, người dân nhận khoán ruộng lại phải bán lúa gạo với mức giá rẻ, nhiều người nản lòng và trả lại ruộng.

polyad

Người tiêu dùng tìm hiểu các loại gạo 721 của Công ty TNHH Cà phê 721 tại Hội chợ ExPo Cao nguyên 2015. Ảnh: Tintaynguyen.

Để thay đổi tình hình này, ban lãnh đạo công ty quyết định áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị cho lúa gạo, tăng giá thành sản phẩm. Mở đầu cho kế hoạch là "Dự án đầu tư hệ thống chế biến sau thu hoạch".

Cụ thể, năm 2015, nhà máy chế biến gạo của công ty ra đời với công suất xay xát 3 tấn lúa mỗi giờ, sấy khô 80 tấn nông sản mỗi ngày. Tổng vốn đầu tư lúc này là 12 tỷ đồng. Nhà máy sử dụng dây chuyền hiện đại, khép kín với hệ thống máy bóc vỏ trấu, máy lọc sạn, máy xát trắng, máy đánh bóng gạo, cân điện tử tự động. Với sự đầu tư này, gạo thành phẩm 721 vẫn đảm bảo độ bóng, đều, hạt đẹp mà không cần sử dụng bất cứ hóa chất nào.

Sau khi áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhà máy không chỉ giải quyết đầu ra cho vùng nguyên liệu lúa hơn 254 ha mỗi vụ (khoảng 500 ha một năm) của công ty mà còn góp phần tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trong vùng. Doanh thu của công ty cũng tăng lên đáng kể. Cụ thể, năm 2011-2015, doanh thu bình quân đạt gần 39 tỷ đồng mỗi năm; tăng 1,36 lần so với giai đoạn 2006-2010; thu nhập bình quân đạt trên 4 triệu đồng một người một tháng.

Từ sự đổi mới này, công ty đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen và cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, giải Bạc giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Bên cạnh đó, Đảng bộ công ty cũng được Tỉnh ủy Đăk Lăk tặng Cờ tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền...

Hà Phan

Chia sẻ bài viết qua email