Chủ nhật, 22/12/2024
Thứ hai, 26/3/2018, 14:28 (GMT+7)

Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cải thiện ô nhiễm nông nghiệp tại Đông Á

Những ảnh hưởng xấu đến môi trường từ quá trình phát triển nông nghiệp có thể giải quyết nhờ cải thiện chính sách và áp dụng kỹ thuật.

Mới đây, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới đã công bố nghiên cứu về "Thách thức của Ô nhiễm nông nghiệp: Bằng chứng từ Trung Quốc, Việt Nam và Philippines". Nghiên cứu là tập hợp các số liệu về nhiều chất gây ô nhiễm trong nông nghiệp và tác động của chúng đến môi trường của 3 quốc gia kể trên. 

Theo đó, việc phát triển và thâm canh nông nghiệp đã giúp một số quốc gia Đông Á cải thiện được vấn đề an ninh lương thực và đưa hàng triệu người thoát nghèo đói. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là những thành công của nông nghiệp đã ảnh hưởng xấu đến môi trường. Tại các khu vực trồng trọt thâm canh, nông nghiệp đã trở thành nguyên nhân chính, nếu không muốn nói là hàng đầu gây ô nhiễm đất, không khí và nước.

Phát triển nông nghiệp cũng gây ra nhiều vấn đề ô nhiễm tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. 

Phát triển nông nghiệp cũng gây ra nhiều vấn đề ô nhiễm tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. 

Dù vậy, Ngân hàng Thế giới nhận định cũng có nhiều giải pháp kỹ thuật giúp cải thiện, quản lý vấn đề này. Một số biện pháp có thể kể đến như: quản lý chất thải vật nuôi và cây trồng, tối ưu hóa việc sử dụng hóa chất, nhựa, thuốc thú y và thức ăn trong nông nghiệp.

Theo bà Laura Tuck, Phó Chủ tịch về Phát triển Bền vững của Ngân hàng Thế giới: "Đầu tư vào việc ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm sẽ đảm bảo lợi ích thu được từ phát triển nông nghiệp là bền vững. Các chính sách và biện pháp kiểm soát ô nhiễm hiệu quả có thể nâng cao lợi nhuận của nông nghiệp và khuyến khích phát triển công nghiệp thực phẩm cạnh tranh, nâng cao được sức khỏe con người và môi trường".

Vai trò của khu vực công trong việc đưa ra các chính sách cải thiện rất quan trọng. Thông qua báo cáo, nhiều phương thức đã được đưa ra để các quốc gia tham khảo như: hỗ trợ đổi mới sáng tạo và học hỏi để kiểm soát ô nhiễm; cấu trúc lại khu vực nông nghiệp để tăng trưởng bền vững hơn…

Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới phát biểu: "Việc định hướng lại chính sách công và chi tiêu cho kiểm soát ô nhiễm có thể mang lại lợi ích cho cả nông dân và người tiêu dùng. Ngân hàng Thế giới cam kết giúp các nước thực hiện cam kết này".

Trong những năm qua, Ngân hàng Thế giới cũng đã nỗ lực hỗ trợ kiểm soát ô nhiễm nông nghiệp ở khu vực Đông Á và trên khắp thế giới. 

Tại Trung Quốc, các dự án trị giá hơn một tỷ USD đang giúp giải quyết ô nhiễm nông nghiệp như: giảm chất amoniac từ việc sử dụng phân bón ở tỉnh Hà Bắc, quản lý rủi ro và xử lý đất bị ô nhiễm ở tỉnh Hồ Nam, giảm sử dụng thừa hóa chất nông nghiệp ảnh hưởng đến Hồ Thiên Đảo, giảm ô nhiễm cây trồng và vật nuôi ở tỉnh Quảng Đông. 

Tại Việt Nam, nguồn tài chính của Ngân hàng Thế giới sẽ giúp nhân rộng các thực tiễn tốt và sáng tạo về nuôi trồng thủy sản giúp nâng cao năng suất tôm đồng thời giảm ô nhiễm nước cho khoảng 100.000 ha trong vòng 5 năm tới ở Đồng bằng sông Cửu Long, giúp nâng cao sinh kế và khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu của nông dân.

Ngoài ra, Việt Nam đang nhân rộng việc áp dụng bể phân hủy khí sinh học (biogas) trong hoạt động chăn nuôi và thúc đẩy việc sử dụng phân bón và hóa chất nông nghiệp hợp lý hơn trong nhóm nông dân trồng lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngân hàng thế giới nỗ lực giáp các quốc gia cải thiện ô nhiễm môi trường do phát triển nông nghiệp. Ảnh: World Bank.

Ngân hàng thế giới nỗ lực giáp các quốc gia cải thiện ô nhiễm môi trường do phát triển nông nghiệp. Ảnh: World Bank.

Tại Philippines, dự án tưới tiêu do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã tập huấn cho nông dân phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ giúp tiết kiệm nước và năng lượng trong khi tăng được năng suất lúa. Ngoài ra, có một dự án giảm khí metan do Quỹ Cacbon hỗ trợ nhằm mục đích giảm phát thải từ các trang trại nuôi lợn trên khắp đất nước Philippin.

Không những cải thiện tình trạng ô nhiễm nông nghiệp, các chương trình này sẽ giúp tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thêm giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng khẩu phần ăn hàng ngày, thu hút một thế hệ mới các nông dân và doanh nhân làm nông nghiệp sạch. Đi cùng với đó là giảm phát thải khí nhà kính chống lại biến đổi khí hậu, thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia.

Vi Vũ 

Chia sẻ bài viết qua email