Thứ ba, 7/5/2024
Thứ sáu, 19/5/2017, 09:00 (GMT+7)

Chi 16 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền chế biến ngao xuất khẩu EU

Nhờ sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng và các yêu cầu nghiêm ngặt, mỗi năm, Công ty TNHH nghêu Thái Bình xuất đi châu Âu và Mỹ khoảng 5.000 tấn ngao chế biến. Tổng doanh thu xuất khẩu đạt khoảng 120 tỷ đồng.

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, có vùng bãi triều rộng khoảng 25.000 ha, thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ. Trong đó, nghề nuôi ngao (nghêu) là một trong những thế mạnh của địa phương, phát triển chủ yếu ở 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy.

polyad

Nông dân Thái Bình cào ngao. Ảnh: ngaothaibinh.

Tận dụng lợi thế nguồn ngao nguyên liệu dồi dào, tháng 4/2010, Công ty TNHH nghêu Thái Bình được thành lập tại cụm công nghiệp Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, mở ra quy trình sản xuất ngao đông lạnh nguyên con. Để làm được điều này, công ty đầu tư khoảng 16 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền chế biến ngao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU.

Theo ông Nguyễn Hùng Thắng, Giám đốc công ty, trước đây, doanh nghiệp cũng tiến hành nuôi trồng ngao thương phẩm, tuy nhiên, để tập trung tốt hơn cho sự vận hành của nhà máy, công ty chuyển hẳn sang chế biến ngao. Nhờ sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng và các yêu cầu nghiêm ngặt nên từ năm 2013 đến nay, sản phẩm ngao đông lạnh của nhà máy chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, công ty xuất đi thị trường châu Âu và Mỹ trên 5.000 tấn, tổng doanh thu xuất khẩu đạt khoảng 120 tỷ đồng.

Chia sẻ về lý do không tiêu thụ ngao tại thị trường nội địa, ông Thắng cho biết, do ngao là loại nhuyễn thể vỏ nặng, cước vận tải trong nước lại cao, nên nếu tiêu thụ tại thị trường nội địa, công ty sẽ bị lỗ. Hơn nữa, thông thường, khi nhập hàng trong nước, công nợ thường bị kéo dài, chưa kể tới khả năng khó thu hồi nợ. Trong khi đó, xuất khẩu ngao đi nước ngoài lại được thanh toán trực tiếp, chi phí vận chuyển giảm, giá bán lại cao hơn.

polyad

Sơ chế ngao sạch tại cơ sở. Ảnh: thaibinh.gov.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng chia sẻ, hiện nay, vấn đề nan giải mà doanh nghiệp phải đối mặt là thiếu vốn. Nhà máy được đầu tư với chi phí lớn, công suất vận hành lên tới 10.000 tấn ngao mỗi năm nhưng công ty mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn một nửa ngao nguyên liệu phục vụ chế biến.

"Điều nghịch lý là nhà máy nằm ngay trung tâm của vùng ngao Tiền Hải nhưng lại thiếu nguyên liệu, trong khi đó, hàng nghìn tấn ngao của bà con địa phương nằm ngoài bãi chờ thu hoạch, hoặc nếu thu hoạch xong lại phải bán với giá rẻ cho các kênh thương lái khác. Do đó, nếu có đủ vốn để thu mua, công ty vừa giải quyết được bài toán nguyên liệu, vừa giúp bao tiêu ngao thương phẩm của bà con trong vùng, giảm thiểu rủi ro bị tư thương ép giá", ông Thắng phân tích.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết qua email