Biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong nông nghiệp
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành quyết định “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019” .
Quyết định đã chỉ rõ phương hướng, biện pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém như sau:
Công tác chỉ đạo điều hành: Tích cực chỉ đạo và nâng cao vai trò của cán bộ trong công tác quản lý, giám sát và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật: Tập trung xây dựng và ban hành thể chế pháp luật, quy định phù hợp với điều kiện của đất nước. Nâng cao hiệu lực quản lí, tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển.
Tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm nhập khẩu: Mở rộng các mô hình sản xuất hiện đại, các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực vùng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm nhập khẩu.
Công tác thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm: Tăng cường phổ biến kiến thức, quyền lợi của người tiêu dùng và nghĩa vụ của người sản xuất. Ngoài ra tuyền truyền, giáo dục về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm đến cuộc sống và sức khỏe của mỗi người.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm: Tích cực thanh tra, giám sát tại các địa phương về vấn đề an toàn thực phẩm. Đồng thời, xử lý nghiêm khắc và triệt để buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, buôn lậu thực phẩm qua biên giới, việc giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm và sử dụng bừa bãi chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Tổ chức lực lượng, nâng cao năng lực: Đào tạo cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông – lâm - thủy sản. Nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng trong tuyên truyền phổ biến pháp luật an toàn thực phẩm.
Theo Tổng cục thống kê, sáu tháng đầu cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, 866 người bị ngộ độc, 5 trường hợp tử vong.
Năm 2019 được Tổng cục thống kê nhận định có nhiều khó khăn trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, cần đẩy mạnh tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản để giảm thiểu tối đa số cơ sở sản xuất vi phạm.
Tại TP HCM, trong quý II năm 2019, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã kiểm tra 2.560 cơ sở, phát hiện 289 cơ sở vi phạm, tiến hành xử phạt 243 cơ sở với tổng số tiền là 3,1 tỉ đồng.
Còn tại Hà Nội, theo Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm TP. Hà Nội, cũng trong quý II năm 2019 vừa qua, Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm đã xử phạt 1.350 cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm, phạt hành chính gần 4,9 tỷ đồng.
Kết quả giám sát tại các địa phương cho thấy, đã dần có sự chuyển biến và thay đổi trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong quản lý, giám sát và kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm nông – lâm – thủy sản.
Những hạn chế thể hiện trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lí vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa đạt yêu cầu, chưa đầy đủ và thực sự nghiêm túc, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước. Quy mô sản xuất còn mang tính chất nhỏ lẻ, hộ gia đình nên chưa đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Nhận thức yếu kém và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm. Vì thế đã để lại những tồn đọng ảnh hướng trực tiếp dẫn đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thiên Kim