Thứ sáu, 10/5/2024
Thứ hai, 2/4/2018, 17:00 (GMT+7)

250 ha trôm khai thác mủ ở Ninh Thuận

Cây trôm không chỉ cho mủ làm thức uống giải khát, mà còn giúp giữ đất, hạn chế sa mạc hóa ở vùng đất Ninh Thuận đầy nắng và gió.

Trôm được nhân trồng ở Ninh Thuận khoảng 10 năm nay. Địa phương có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng nhiều, nhiệt độ trung bình năm cao (27,7 độ C), mùa khô kéo dài 9 tháng, song lại thích hợp cho cây sinh trưởng quanh năm.

Trôm chủ yếu cho khai thác mủ (nhựa cây). Cây hiện được trồng chủ yếu tại huyện Thuận Nam và Ninh Phước với diện tích khoảng 250 ha, cho sản lượng khoảng 50 tấn năm. Giá bán mủ trôm trung bình 240.000-250.000 đồng mỗi kg, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân.

polyad

Cây trôm thích hợp với vùng đất thiếu mưa, thừa nắng Ninh Thuận. Ảnh: Bizmedia

Theo người trồng, trôm hôi cho giá trị kinh tế cao hơn trôm đỏ, trôm hoa nhỏ, trôm Nam bộ... nên được trồng phổ biến nhất. Cây chăm sóc tốt thì sau 3-5 tuổi có thể cho mủ, 5-7 tuổi thì thu hoạch quanh năm.

Khi khai thác, nông dân sẽ khoan các lỗ tròn kích cỡ bằng miệng chai trên thân cây, rồi lấy chai nhựa hứng mủ. Khoảng cách lỗ 5-10cm tùy theo đường kính cây to hay nhỏ, quy trình lấy mủ quay vòng 2-3 ngày. Các vết đục sau đó tự lành, sau này có thể quay lại tiếp tục đục lỗ cũ lấy mủ.

Do khai thác thường xuyên, nên cây được chăm sóc theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu lấy mủ. Mùa khô hạn, người trồng còn đào giếng khoan ngay trong vườn để chủ động nguồn nước tưới.

polyad

Mủ trôm khi đưa về cơ sở chế biến. Ảnh: Bizmedia

Mủ trôm chảy ra dẻo như kẹo kéo, sau thời gian ngắn sẽ cứng và khô lại. Nông dân gom mủ thô bán cho các cơ sở chế biến, loại bỏ tạp chất, sau đó tiệt trùng, sấy ở nhiệt độ 50-100 độ C.

Sản phẩm cung cấp ra thị trường chủ yếu là mủ trôm nghiền nhỏ, chia thành từng gói 15g tiện lợi để pha làm thức uống giải khát với nước, đường hoặc nước dừa… Ngoài ra, còn làm nguyên liệu cho ngành dược - mỹ phẩm.

Trồng và khai thác mủ trôm tại Ninh Thuận

250 ha trôm khai thác mủ ở Ninh Thuận
 
 
 

Trôm có tên khoa học (sterculiia foetida L.), là cây thân gỗ lâu năm được trồng nhiều ở Bình Thuận, Ninh Thuận. Ngoài mủ, cây còn cho thu hoạch gỗ sau 20 năm. Loại gỗ này không mối mọt, được chuộng dùng làm ván dặm, bột giấy, bao bì…

Thời gian tới, Ninh Thuận sẽ tăng diện tích trồng trôm nhằm tạo giá trị kinh tế cho nông dân và đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu, sa mạc hóa và thoái hóa đất ở những vùng khô hạn như duyên hải Nam Trung Bộ.

Ngọc Anh

Chia sẻ bài viết qua email