Ngày còn sống, ngoại tôi luôn đọc những câu ca dao, tục ngữ rất đời thường cho anh em chúng tôi nghe, đại loại như: "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng" hay "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy thuộc làu làu những câu nói ấy vì có vần, có điệu, nhưng cũng chẳng mấy quan tâm và tìm hiểu cặn kẽ ý nghĩa sâu xa của nó.
Lớn lên, chúng tôi cũng dần hiểu được phần nào rằng vì̀ sao ngày xưa ông bà ta hay dùng những câu ca dao, tục ngữ mộc mạc, đơn giản để dạy bảo con cháu từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày? Tôi vẫn nhớ như in những lời dặn của ngoại, như "ăn uống không đáng bao nhiêu, nhưng ăn làm sao thể hiện được nét đẹp, người khác nhìn vào họ cảm thấy hài lòng, đừng để họ chê cười, phải giữ phép lịch sự trong khi ăn uống, nói năng, đi đứng".
Cuộc sống hiện đại ngày nay, chúng ta thường bỏ qua những điều tưởng chừng như là nhỏ nhặt, nhất là đối với thế hệ trẻ. Có những điều rất nhiều người cảm thấy khó chịu, không vừa lòng, nhưng tâm lý còn e ngại, không ai muốn nói ra, cũng chẳng mấy ai tự hiểu, tự nhìn thấy để tự sửa. Dần dần, chúng trở thành thói quen, tật xấu không đáng có trong đời sống xã hội.
Có hai câu chuyện tôi muốn chia sẻ với bạn đọc, qua đây cũng mong muốn mọi người nhìn nhận và tự điều chỉnh chính những hành vi chưa phù hợp của chính bản thân mình, vì điều muốn nói trực tiếp sẽ rất tế nhị trong cách ứng xử giữa con người với con người.
>> Dùng đũa gắp thức ăn cho nhau có phải là văn hóa truyền thống?
Chuyện 'ăn'
Một lần, tôi được mời dự một bữa tiệc, rất sang trọng và nhiều người lịch sự, có cả hoa hồng, nến và nhạc. Chủ nhà thường có tâm lý nhiệt tình và hiếu khách, nên trong bữa tiệc liên tục gắp thức ăn mời khách, nhưng lại không hề tinh ý trong việc lấy đũa khác hoặc trở đầu đũa để gắp thức ăn mời khách. Vô hình chung, điều lẽ ra đáng được trân trọng lại mất đi vẻ tự nhiên và thiện cảm trong mắt mọi người.
Có lần, trong bữa tiệc có nhiều quan khách, cô gái rất xinh đẹp trong bộ trang phục hợp thời trang, ngồi ăn nhưng một tay chống cằm, một tay cứ thản nhiên dùng đũa gắp thức ăn đưa thẳng lên miệng mà không cầm bát. Những hành động này cũng không hề đẹp đẽ trong mắt của mọi người xung quanh.
Lần khác, trong bữa liên hoan, có chàng thanh niên vừa ăn vừa xem điện thoại, thỉnh thoảng lại ngồi bới đĩa thức ăn để chọn những miếng vừa ý, làm tràn cả xuống bàn. Tôi thấy ngại ngùng, nên dùng đũa khác để tém gọn thức ăn vào đĩa. Hành động của chàng trai không hề văn minh chút nào.
Trong một dịp khác, giữa bữa cơm chung, cả mâm chỉ có một bát canh cua rất thơm ngon. Một cô cũng ngoài tứ tuần, hồn nhiên cho thẳng đôi đũa đang ăn của mình vào bát canh vớt rau lên ăn. Nhìn những cách ăn uống này những người khác chẳng muốn ăn nữa.
Lại có một ông chú nâng chén rượu mời khách, chẳng may rớt chén rượu xuống người đối diện, trong rượu có lẫn cả đồ ăn chú đã nhai. Mọi người chỉ biết cúi xuống mà lau. Trong một bữa tiệc khác, mọi người đang hồn nhiên ăn uống, nói cười vui vẻ, trong câu chuyện vui thì một cậu em phì cười, đến mức bắn cả thức ăn vào bàn tiệc.
Có lần, đi ăn trưa cùng người nước ngoài, nhiều người Việt vẫn quen nhai phát thành tiếng. Ăn xong, họ lại ngậm ngay một que tăm trên miệng, vừa uống nước, vừa nói chuyện.
Trong những giờ cơm trưa, mọi người ở công ty tôi không có thói quen xếp hàng, mà thường chen chúc nhau, mạnh ai nấy gắp đồ ăn vào đĩa của mình, không cần nhường nhịn hay chờ đợi đến lượt. Hành động này cũng không thể hiện được nét đẹp văn hóa nơi công sở chút nào.
Hay trong những nhà hàng buffet tự chọn, tôi thấy có rất nhiều khách nước ngoài đang xếp hàng chờ đến lượt thì mấy cô gái và chàng trai trẻ người Việt cầm đĩa nói cười ngả nghiêng, vô tư chen lấn để với lấy đồ ăn. Thậm chí, họ còn vừa đi vừa ăn. Họ còn có tâm lý đã bỏ tiền đi ăn buffet thì cứ thoải mái lấy đồ, rồi bỏ thừa mứa rất nhiều.
Chuyện 'nói'
Chúng ta thường có thói quen thoải mái trong khi nói chuyện, chẳng cần quan tâm đến việc mình nói cho ai nghe, ai nói trước, ai nói sau, ai đang nghe, cứ mạnh lúc nào là nói lúc đó. Nhiều người nói chen ngang và nói chồng, nói đạp lên người khác và xem đó là điều bình thường.
Trong một buổi hội thảo gần đây, đến giờ thảo luận, chờ đợi mãi không ai phát biểu, với vai trò dẫn dắt, tôi gợi mở vấn đề để mọi người tham dự cùng thảo luận. Trong lúc trao đổi, tôi thấy có rất nhiều người nói xen ngang vào câu chuyện, không hề đợi dứt mạch lời người đang nói, thành ra buổi hội thảo lại trở nên ồn ào như ngoài chợ.
Có lần, tôi đang trao đổi với khách hàng, một cô nhân viên chen ngang nói vào. Hoặc có lần đang phát biểu trong một cuộc họp thì một vị khác cũng thản nhiên nói cắt ngang vào làm tôi phải dừng lại giữa chừng.
Những điều đơn giản này, nhất là chuyện ăn uống, nói năng, chẳng có quy tắc nào quy định bắt buộc, nhưng nó là điều mà mọi người đều phải tự hiểu, tự biết và tự điều chỉnh. Không ai sinh ra tự nhiên có được những hiểu biết. Kiến thức, văn hóa là những điều cần phải học tập, lắng nghe và quan sát, nhất là về cách ăn, nói lại càng phải chú trọng hơn,. Nó thể hiện nét văn minh, lịch sự của đời sống mỗi người. Chúng ta cần phải rèn thêm từ những điều đơn giản đến cao hơn trong cuộc sống.
Có nhiều điều nữa trong văn hóa ứng xử của người Việt mà tôi muốn nói, nhưng e ngại rằng, nếu nói ra mình lại bị cho rằng khắt khe, săm soi, tính đàn bà, hay để ý, lắm chuyện, lạc hậu, cổ hủ... Trên thế giới, có những công ty, những trường đại học, đề ra những nguyên tắc cơ bản nhất cho nhân viên, sinh viên trước khi vào làm việc, vào học. Họ đều phải trải qua những khóa học về những quy tắc cơ bản đã đề ra, bắt buộc ai cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm phải thực hiện. Đấy là một nét đẹp mà chúng ta cần phải học tập.
Muốn là người có văn hóa, lịch sự, thành thạo trong công việc và cuộc sống, trước hết chúng ta phải học và điều chỉnh từ những điều nhỏ nhặt nhất, để hoàn thiện bản thân. Nếu không, chúng ta sẽ bị người nước ngoài chê cười.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.