Chia sẻ của tác giả Nguoi Xa La về câu chuyện ý thức văn minh nơi công cộng trong bài viết "Ba người phục vụ 300 khách ăn buffet ở Đức" đang nhận được nhiều sự đồng cảm của độc giả VnExpress. "Đến và đi không dấu vết" được xem là cách sống của những con người mới, là điều thường thấy ở các xã hội phương Tây phát triển. Thế nhưng, ý thức nơi công cộng vẫn còn là một điều khá lạ lẫm với người Việt.
Độc giả Nilam kể về trường hợp không mấy vui vẻ từng gặp phải: "Tôi mới xem một đoạn clip của một bạn trẻ nêu quan điểm cho rằng quán cà phê là nơi gặp gỡ, nói chuyện chứ không phải chỗ để học bài, làm việc hay đọc sách, nên đương nhiên phải ồn ào. Bạn còn mạnh miệng nhận xét 'ai muốn yên tĩnh thì vào thư viện, lên chùa, hoặc đeo tai nghe vào, đừng bắt người ta vào quán xá mà không được nói cười thoải mái'. Và ngạc nhiên là phía dưới video, rất nhiều bạn trẻ ủng hộ cho ý kiến đó.
Bản thân tôi cũng đồng ý rằng quán cà phê không phải nơi thích hợp để học tập hay làm việc. Nhưng giới hạn của việc 'nói chuyện' và 'làm ồn' cần phải được phân định rõ ràng. Người ta vẫn có thể nói chuyện, cười đùa mà không gây ồn ào, ảnh hưởng đến người xung quanh. Ở nơi công cộng, khi người khác miễn cưỡng phải nghe câu chuyện của bạn, nghe tiếng cười ha hả, the thé, khùng khục của bạn, tức là bạn đang hành xử thiếu văn hóa.
Rất nhiều người Việt, cả già lẫn trẻ, khi vào quán cà phê, quán ăn là nói cười như thể mình là diễn viên chính trên sân khấu, đài từ oang oang như sấm rền. Tôi không nghĩ nói cho một nhóm 5-7 người nghe mà cần đến âm lượng lớn đến như thế. Chưa kể, có người còn tranh nhau nói, nên thành ra ai cũng cứ gào lên. Nhiều người có nếp nghĩ ngược rằng ở nơi công cộng là thích làm gì thì làm. Suy nghĩ đó hoàn toàn sai lầm. Ở nhà, bạn thích làm gì cũng được, nhưng ở nơi công cộng, cái 'muốn' của cá nhân phải xếp sau mong muốn của cộng đồng.
Xã hội càng văn minh thì phải càng yên tĩnh. Hãy nhìn tàu điện ngầm chật như nêm ở Nhật Bản, nhưng hoàn toàn không có người la ó, gào thét, nói chuyện oang oang như ở những nơi linh thiêng như chùa chiền nước ta vào mỗi mùa lễ hội. Chúng ta đi chùa mà còn làm ồn hơn cả phiên đấu giá chợ cá của người ta. Vậy thì thử hỏi ý thức, văn minh chỗ nào?".
Thấu hiểu nỗi bức xúc khi bị làm ồn nơi công cộng, bạn đọc Phạm chia sẻ: "Tôi nhớ có một lần nhóm bốn người chúng tôi đi ăn ở một nhà hàng Nhật Bản tại Sài Gòn. Chúng tôi ngồi trong một phòng nhỏ có ba bàn. 15 phút đầu, do chỉ có hai bàn ngồi ăn, nên tiếng nói chuyện khá nhỏ, ai nấy đều vô cùng dễ chịu. Sau đó, một nhóm khách đến ngồi vào bàn còn lại và từ đây chúng tôi không thể nói chuyện với nhau được nữa. Lý do là bởi nhóm người kia nói chuyện oang oang như hét lên với nhau.
Khi chúng tôi góp ý, nhắc nhở họ nói chuyện nhỏ xuống một chút, ban đầu, họ cũng làm theo được đúng năm phút rồi lại tiếp tục hò hét. Tôi lại nhắc thêm một lần nữa nhưng thái độ của họ hoàn toàn thay đổi. Nhóm người đó tỏ ý thách thức, nói chúng tôi rằng 'bọn này đi ăn ngồi phòng riêng quen rồi nên đòi hỏi lắm'. Báo hại hôm đó, chúng tôi mua suất dạng buffet, tiền cũng trả rồi, mà mới ăn được ba món, còn món lẩu rất ngon nhưng nhóm tôi cũng đành bỏ chạy vì không chịu đựng nổi tiếng ồn".
>> Bao giờ người Việt bớt ồn ào?
Cũng từng rơi vào trường hợp bữa ăn bị phá hỏng vì những người ồn ào, độc giả NPT nhớ lại: "Vừa rồi, hai vợ chồng tôi tổ chức sinh nhật, đến dùng bữa tại một nhà hàng Nhật Bản mà tôi vốn thích vì không gian ấm cúng, đồ ăn ngon, không khí cũng nhẹ nhàng và yên tĩnh. Vậy mà không may, hôm ấy, có một bàn khoảng 6-7 người lớn, để trẻ con rượt đuổi, la khóc ầm ĩ dù không gian quán hạn chế.
Kết quả, nguyên một tầng như vỡ trận, nhà hàng phải xin lỗi và tặng thêm món cho mấy bàn khác ở cùng tầng này vì sự ồn ào không đáng có. Bữa ăn của chúng tôi vì thế cũng bớt ngon miệng đi ít nhiều. Những người kia ăn xong vẫn còn ngồi lại khá lâu để trò chuyện lớn tiếng, khiến nhiều bàn khác phải bỏ về sớm vì không chịu đựng nổi. Đây rõ ràng là vấn đề nằm ở ý thức của mỗi người".
Phải chăng việc giữ trật tự nơi công cộng là nhiệm vụ bất khả thi với người Việt? Bạn đọc Tuấn Mạnh đặt câu hỏi: "Một điều thường thấy ở các nhà hàng tại Việt Nam, đó là chỉ cần góp mặt đủ một bàn nhậu khoảng 10 người là tạo nên không khí xôm tụ và sôi động suốt buổi, thậm chí kéo dài đến tận đêm khuya. Những câu hô hào với âm lượng chát chúa như "1, 2, 3... dô" vang lên như một thứ rất bình thường tại các nhà hàng, quán nhậu, đến mức người ta chẳng hề nghĩ đó là ồn ào.
Sau vài vòng nâng cốc tập thể, sẽ đến lượt anh A đấu tửu tay đôi với anh B, anh C mời bia anh D, anh E thách đấu anh F... Cứ thế, trong men say, mỗi cặp trước khi vào cuộc đều tuyến bố đủ thứ lý do trên đời, nói oang oang như cho cả quán cùng nghe. Cảnh loi nhoi., ầm ĩ được kéo mãi cho đến khi tàn tiệc. Thức ăn, đồ uống vương vãi khắp nơi, chỉ khổ mấy cô cậu phục vụ bàn, dù đuối sức nhưng cũng vẫn cố dọn dẹp vì đã quen với cảnh tượng này.
Chưa kể, có người vừa nhậu vừa hát karaoke. Có khi, đang hát giữa chừng, có người lại chuyển sang thử mic: "Alô, 1, 2, 3, 4, alô", rồi lại tranh nhau chuyển bài để hát tiếp. Nghĩ đến ăn nhậu là phải om sòm mới vui, nên phần đông người Việt mỗi ăn uống tại nhà hàng, quán xá mà bảo họ phải im lặng, trật tự, chẳng khác nào nhiệm vụ bất khả thi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.