Văn hóa lời ăn, tiếng nói hiện nay bị biến tấu bởi tình trạng "chửi bậy như hát hay", dần trở thành "mốt" trong đời sống giao tiếp hàng ngày - điều mà không một ai mong muốn... Chẳng biết từ bao giờ, người ta xem chuyện văng tục chửi bậy là điều quá đỗi bình thường, theo kiểu ai mà chẳng nghe, chẳng nói.
Chửi bậy trở thành thói quen, thành "trend" trên cả mạng xã hội, lẫn ngoài đời. Nhiều lần đứng trước cổng trường tiểu học đón em, tôi đã rất ngạc nhiên khi các bé nhỏ thản nhiên dùng từ tục tĩu, chửi bậy như một cách thể hiện bản thân. Tôi không nhớ hồi bằng tuổi này, thế hệ của tôi có văng tục nhiều như vậy không? Nhưng cả tôi và những người lớn đứng đợi con em ở đó đều cảm thấy sốc bởi những thứ âm thanh phát ra từ đám trẻ.
Mạng xã hội phát triển với vô vàn những clip, hình ảnh văng tục vô tội vạ với độ viral khủng khiếp. Kéo theo đó, người trẻ (đặc biệt là lứa tuổi học sinh) có xu hướng tiếp cận những thông tin độc hại, dần hình thành thói quen chửi bậy. Đáng nói, nhiều fanpage, hội nhóm còn không ngần ngại quảng bá những "câu chửi hay nhất" thu hút hàng nghìn lượt theo dõi.
Chửi thề hay sử dụng tiếng lóng một cách thiếu văn hóa đã "sinh" ra cái "mốt" chửi bậy lúc nào không hay. Nhiều lời ngụy biện rằng đây là cách để xả stress, cách thể hiện cá tính, thể hiện bản thân... nhưng thực chất văng tục, chửi bậy đã ăn sâu vào "máu" của nhiều người. Đây dường như trở thành vấn đề của toàn xã hội.
Một buổi chiều xếp hàng đợi lấy số thứ tự tham gia giải chạy do trường đại học tổ chức, tôi cũng rất sốc trước cách ăn nói của một nhóm sinh viên khi liên tục thốt ra những lời chửi bậy đến rùng mình. Tôi phải nhấn mạnh là không chỉ một, mà là rất nhiều từ chửi bậy được chêm vào trong những câu giao tiếp bình thường của các bạn trẻ. Thật không hiểu nổi ý thức về văn hóa giao tiếp của một sinh viên đại học ở đâu?
Phải chăng chính sự dễ dãi, thỏa hiệp và dung túng cho thói quen này đã biến nó trở thành một thứ sành điệu mà bất kỳ người nào cũng có thể bắt chước? Không phải ngẫu nhiên khi người ta nói rằng "thói quen lặp đi lặp lại sẽ trở thành bản chất". Điều không mong muốn là cái "mốt" chửi bậy đó sẽ tác động tiêu cực đến lối sống, cách giao tiếp của con người.
>> Cãi vã vì đợi 30 phần bánh căn quá lâu ở Đà Lạt
Hà Nội, Sài Gòn từng nổi đình nổi đám với rất nhiều quán "bún mắng, cháo chửi". Cái mác "chửi" thậm chí còn được xem như là cách để người ta câu khách. Năm 2016, tiếng vang về "món ăn đặc sản của Việt Nam" được truyền hình CNN đưa lại bằng hẳn một phóng sự về một quán "bún chửi" ở Hà Nội. Tôi không nghĩ đó là điều đáng tự hào khi nhắc đến văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Đến nay, nhiều quán vẫn giữ thái độ chảnh chọe, suồng sã với khách hàng. Thậm chí số lượng còn nhiều hơn trước. Nghĩ cũng lạ, sao người ta lại phải chen nhau để đi ăn một nơi mà sẵn sàng có thể bị chửi vào mặt thực khách với những ngôn từ kém văn minh đến vậy? Phải chăng họ lại xem kiểu "chửi bậy như hát hay" ấy là thứ gì đó rất hay ho, đáng để bỏ tiền trải nghiệm?
Còn nhớ, mỗi lần họp tổ dân phố nơi tôi ở, người ta đều nhấn mạnh việc xây dựng một cộng đồng, một xã hội văn minh, tích cực. Nhưng tôi không tin rằng thói chửi bậy sẽ tạo ra một môi trường văn minh. Điều đáng sợ hơn là cái "mốt" ấy dần "di căn" sang nhiều thế hệ, "đầu độc" chính lớp trẻ hiện nay.
Nhiều người trẻ coi chửi bậy là sành điệu, phải bắt "trend" mới chứng tỏ được chất chơi. Họ cho rằng chửi bậy là điều rất bình thường, mà những người không chửi bậy mới là bất thường. Chính vì suy nghĩ như vậy mới tạo ra những hệ lụy đáng buồn cho một thế hệ đầy rẫy bạo lực, cọc cằn, thô lỗ. Người chửi bậy thường đánh đồng quan điểm cố hữu với nghệ thuật "chửi như hát" ngày xưa. Song, việc gắn mác mọi lý do cho lối giao tiếp thiếu văn hóa như vậy chỉ là cách để ngụy biện.
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: "Tiếng Việt của chúng ta rất giàu; tiếng ta giàu bởi đời sống muôn màu, đời sống tư tưởng và tình cảm dồi dào của dân tộc ta...". Tôi nghĩ rằng việc sử dụng ngôn từ không đúng chuẩn mực, không phù hợp trong lối giao tiếp có thể sẽ làm mất đi vẻ đẹp vốn có của Tiếng Việt. Nếu không nhận ra hay không cố nhận ra để hiểu thì chỉ vài năm nữa thôi, "mốt" chửi bậy có thể sẽ trở thành "một thứ dị tật văn hóa" giao tiếp.
Còn bây giờ, tôi không nghĩ rằng đó là sự lệch chuẩn về văn hóa. Bản thân tôi đủ hiểu về thói quen chửi bậy và vì hiểu nên luôn cố gắng thay đổi. Thay đổi nhận thức góp phần xây dựng nét đẹp trong lời ăn, tiếng nói, là cách tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.