Không đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết "Tết của người già", độc giả Phuong Nguyen chia sẻ góc nhìn về giá trị truyền thống của Tết: "Tôi cũng thuộc thế hệ U70, xin được đôi lời về giá trị truyền thống của Tết cổ truyền. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn - khu vực trung tâm - nên từ nhỏ đến giờ chưa từng hưởng cảm giác cả gia đình quây quần dọn dẹp, gói bánh, nấu bánh chưng...
Tuy nhiên, không vì thế mà tôi không được tận hưởng tình thương gia đình mỗi dịp Tết đên. Giá trị truyền thống, phong tục cổ truyền là đáng quý, nhưng không phải tất cả đều cần được giữ gìn, có những thứ nên bỏ bớt để cuộc sống đơn giản, thoải mái hơn.
Không chỉ giới trẻ ngày nay, mà ngay cả tôi đến giờ vẫn không hiểu vì sao người ta cứ phải bày vẽ nấu nướng, ngồi canh nồi bánh chưng, bánh tét hơn sáu tiếng đồng hồ, tự làm giò, kho nồi thịt khủng ăn hoài không hết... Việc dọn dẹp nhà cửa, nếu có tính khoa học, và làm thường xuyên, thì bạn sẽ không phải một năm mới dọn một lần, như thế nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tết cổ truyền có những hủ tục cần bỏ, như hóa vàng mã, đốt pháo, ăn Tết kéo dài, kiêng cữ đủ thứ...
Ăn Tết là chuyện riêng của mỗi người, miễn sao bạn thấy thoải mái, vui vẻ là được, đừng ép buộc nhau vào khuôn khổ được gọi là giá trị cổ truyền. Không ai nói người con không sum họp gia đình với cha mẹ ngày Tết là không có hiếu, không ăn Tết theo giá trị xưa cũ là không yêu quý dân tộc.
Tóm lại, thời đại mới, chúng ta phải đổi mới, biết chắt lọc những giá trị thiêng liêng ngày Tết, còn cái gì không phù hợp nữa thì nên được lược bỏ".
Đồng quan điểm, bạn đọc Serana bổ sung thêm: "Tết đâu nhất thiết cứ phải dọn dẹp, cơm nước quần quật... chưa làm đã nghe thấy rụng rời tay chân. Ngày nay, phụ nữ cũng như đàn ông, đi làm đến 28 âm lịch mới được nghỉ Tết. Giờ cũng không còn đói kém như xưa nữa, nên chỉ ăn một miếng bánh chưng thôi cũng thấy ngấy rồi.
Vậy tại sao phải cố mâm cao cỗ đầy, trong khi không ai đủ sức ăn? Tại sao phải cố dọn cả cái nhà vào mấy ngày Tết trong khi ngày thường cũng đã giữ nhà cửa tinh tươm?
Tết chưa bao giờ thay đổi, Tết cổ truyền vẫn là tinh túy của dân tộc ta, vì thế không cần nhắc nhở, người Việt dù già dù trẻ vẫn háo hức mỗi khi Tết về. Có bao nhiêu cuộc thảo luận gộp Tết cổ truyền với Tết tây nhưng không được hưởng ứng, chứng tỏ giá trị của Tết Nguyên Đán vẫn là trường tồn.
Nhưng tùy thời đại, tùy gia đình mà ta nên chọn lựa một kiểu đón Tết phù hợp với văn hóa riêng. Du lịch bên nhau vào mấy ngày Tết cũng đâu có sao? Nguyên một năm không thể có được một thời khắc bình yên và tự do đầu óc vào dịp nghỉ Tết sao? Chẳng lẽ tất cả mọi người không được quyền nghỉ ngơi sau một năm vất vả? Do đó, không nên áp đặt quan điểm của mình vào các biến động của thời đại".
Nhấn mạnh giá trị truyền thống của Tết không nằm ở mâm cao cỗ đầy, dọn nhà quần quật... độc giả Hằng khẳng định: "Tôi thuộc thế hệ trẻ. Ngày xưa, lễ, Tết sum vầy, người ta dọn dẹp từ 23 Âm lịch. Ngày nay, con cháu đi làm công sở tới 28 Tết mới được nghỉ, lúc đó đùm nhau vượt hàng trăm km để về quê, có người về tới nhà thì đã qua năm mới, vậy còn dọn dẹp, bày cỗ thế nào? Chưa nói tới sức khoẻ đã cạn kiệt.
Bởi vậy, ai ở gần có thể về Tết, tùy sức mà bày cỗ sum vầy; còn ai ở xa cũng phải tính toán thiệt hơn. Cuộc sống cũng cần đi du lịch để biết đó, biết đây. Quanh năm làm quần quật, không được nghỉ, tranh thủ dịp Tết để cả nhà đi du lịch cũng là chuyện bình thường.
Chỉ những người quá ích kỷ mới gò bó, bày vẽ mâm cỗ Tết này qua Tết khác. Đa phần phụ nữ vô bếp; còn đàn ông ngồi nhậu hết đám anh em họ hàng này, đến làng xóm khác, hại sức khỏe. Nói thật, kéo chồng con đi du lịch cũng một phần vì trốn tránh cái cảnh hành hạ sức khỏe của nhau. Nếu Tết độc hại vậy, giữ làm gì?
Bây giờ đâu giống như xưa, cái thời đĩa bánh tét, bánh chưng, hộp mứt và ấm trà râm ran thăm hỏi chúc Tết nhau đã quá xa rồi. Nếu giờ trở về cảnh đó, tôi sẽ tự nguyện về nội, về ngoại ăn Tết, chứ chẳng cần phải đi du lịch đâu cả".
>> Bạn và gia đình sẽ ăn Tết năm nay như thế nào? Chia sẻ bài viết, ảnh, video tại đây.