21h tối ngày giáp Tết, "đoàng" - tiếng nổ lớn phát ra trước cửa khiến cả nhà tôi giật bắn mình. Đứa cháu trai mới sáu tháng tuổi khóc thét vì bị đánh thức bởi tiếng nổ inh tai nhức óc. Vội vàng chạy ra ngoài kiểm tra, tôi lập tức hiểu ra nguyên nhân khi mùi thuốc pháo nồng nặc xộc thẳng vùi mũi. Đám thanh niên nào đó vừa châm lửa đốt pháo trước ngõ nhà tôi rồi bỏ chạy.
Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, quê tôi lại nghe tiếng pháo nổ, nhiều nhất là vào đêm giao thừa và kéo dài cho tới tận rằm tháng Giêng, bất chấp việc nước ta có quy định cấm buôn bán và sử dụng pháo nổ nhiều năm qua. Vì nhiều lý do, nguồn pháo lậu, pháo tự chế vẫn tồn tại và âm thầm lưu hành trong dân chúng, vượt qua tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Câu hỏi là liệu chúng ta có thể ngăn người dân đốt pháo nổ? Đâu không phải điều đơn giản bởi nguồn lợi từ kinh doanh pháo lậu quá lớn khiến nhiều người tìm đủ mọi cách để bán mặt hàng quốc cấm này, bất chấp luật pháp. Theo Bộ luật hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017, các hình vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ sẽ bị phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất lên tới 15 năm. Tuy nhiên, chừng đó vẫn là quá nhỏ so với mức siêu lợi nhuận có được từ việc buôn bán pháo nổ, khiến không ít người vẫn bất chấp kiếm lời.
Nghị định số 167/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định hành vi sử dụng các loại pháo không được phép sẽ bị phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng, thậm chí xử lý hình sự với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người khác. Thế nhưng thực tế, việc phát hiện người vi phạm đốt pháo nổ là không hề đơn giản do thiếu lực lượng quản lý, trong khi người dân thường đốt pháo lén và bỏ chạy ngay sau khi thực hiện hành vi. Tất cả dẫn tới việc bỏ lọt vi phạm, lâu dần tạo nên thói nhờn luật, lách luật.
Nhiều vụ tai nạn đáng tiếc thường xuyên xảy ra mỗi năm liên quan đến đốt pháo nổ. Tuy nhiên, điều đó không đủ để ngăn chặn người dân cố tình đốt pháo trái phép mỗi dịp Tết đến. Nhiều người lấy lý do tiếng pháo nổ gắn liền với hình ảnh Tết cổ truyền để biện minh cho hành vi sử dụng pháo cấm. Thế nhưng, họ không biết rằng, xã hội phát triển, con người muốn văn minh thì cũng cần loại bỏ dần những thói quen xấu, những hủ tục lạc hậu, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người dân. Đó là lý do Chính phủ ta cấm pháo nổ nhiều năm qua. Tiếc là không ít người vẫn tìm cách vượt rào, chỉ vì chút ích kỷ cá nhân.
Năm nay, quy định mới cho phép người dân sử dụng pháo hoa (không có chất nổ) từng gây nhiều tranh cãi, nhưng vẫn được áp dụng. Vài ngày trước Tết, các điểm cung cấp pháo hoa theo quy định của Bộ quốc phòng được mở tại nhiều địa phương để phục vụ người dân. Và ngay lập tức, các cửa hàng này rơi vào tình trạng quá tải do nhu cầu mua pháo của người dân quá lớn. Thế nhưng không phải ai cũng thỏa mãn với sản phẩm pháo hoa theo quy định của nhà nước bởi "không khác pháo sinh nhật là mấy".
Dạo một vòng trên các mạng xã hội, tôi thấy nhiều người quay video, viết bài đánh giá, tỏ thái độ thất vọng với sản phẩm này. Họ cho rằng pháo không có tiếng nổ nên không thỏa mãn nhu cầu, nhận được nhiều ủng hộ. Vậy là một lượng người không nhỏ sẽ tìm cách chuyển sang mua pháo nhập lậu, pháo tự chế để đốt thay thế. Điều đó vô tình khiến tiếng pháo nổ trên đường phố mùa Tết năm nay nhiều hơn hăn dù chưa tới giao thừa.
Năm nay, chúng ta lại có thêm một mối lo khi không ít người sẽ lợi dụng quy định mới để đốt pháo nổ. Đường phố có được yên bình như mọi năm, hay lại ngập tràn tiếng pháo nổ trái phép? Đó sẽ là câu hỏi không hề đơn giản với chính quyền các địa phương trong dịp Tết cận kề. Đau đớn có thể sẽ qua đi, nhưng nỗi ám ảnh về tinh thần hay di chứng, thương tật thể xác do pháo sẽ ở lại suốt đời với các nạn nhân. Tôi mong dân ta có thể đón một cái Tết vui mà không cần những tiếng pháo đùng đoàng.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.