Phát biểu sau cuộc họp ngoại trưởng NATO tại Berlin, Đức ngày 15/5, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói đã gặp người đồng cấp Thụy Điển và Phần Lan, đồng thời cho biết các bên đang tìm cách giải quyết những vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ quan ngại.
"Lập trường của chúng tôi hoàn toàn cởi mở và rõ ràng", ông Cavusoglu nói và khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không đe dọa bất cứ ai hay tìm kiếm lợi thế. Ông bày tỏ quan ngại việc Thụy Điển ủng hộ đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) coi là khủng bố.
"Nhất thiết phải có đảm bảo an ninh. Họ cần phải ngừng hỗ trợ các tổ chức khủng bố", Ngoại trưởng Cavusoglu nói, đồng thời yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu một số hàng hóa trong lĩnh vực quốc phòng sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngăn chặn tư cách thành viên liên minh của Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời bày tỏ tin tưởng trong giải quyết những mối lo ngại mà Ankara nêu ra.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 13/5 tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ "không có quan điểm tích cực" về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, với cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu chứa chấp các nhóm mà Ankara coi là khủng bố.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của ông Erdogan sau đó nói Thổ Nhĩ Kỳ không đóng cánh cửa vào NATO đối với hai nước Bắc Âu.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine", Phần Lan và Thụy Điển quyết định xem xét khả năng gia nhập NATO, từ bỏ chính sách không liên minh quân sự trong nhiều thập kỷ.
Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan ngày 15/5 xác nhận nước này sẽ gia nhập NATO, gọi đây là quyết định mang tính lịch sử mở ra một kỷ nguyên mới. Bước tiếp theo, quốc hội Phần Lan sẽ nhóm họp ngày 16/5 để thảo luận về quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO. Giới chuyên gia dự đoán phần đa trong số 200 nghị sĩ quốc hội Phần Lan sẽ ủng hộ quyết định xin gia nhập NATO.
Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan - Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 binh sĩ nước này thiệt mạng.
Xuyên suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.
Thụy Điển, quốc gia láng giềng với Phần Lan, cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU vào năm 1995 và tăng cường hợp tác với NATO. Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters, AFP)