Thời gian qua, vấn đề đánh thuế bất động sản thứ hai đã nhiều lần được mang ra mổ xẻ, bàn luận. Trong đó, rất nhiều ý kiến tỏ ra sốt ruột, thắc mắc tại sao không đánh thuế bất động sản thứ hai ngay để ngăn nạn đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, tạo "sốt đất" ảo? Trong khi đó, các cơ quan quản lý lại đưa ra lý giải rằng phải đánh giá đến tác động nhiều chiều tới xã hội của quy định mới trước khi áp dụng, chứ không thể vội vàng.
Theo tôi, việc triển khai đánh thuế bất động sản thứ hai không hề đơn giản như số đông chúng ta vẫn thường nghĩ. Bởi bất động sản không chỉ là nơi để ở mà còn đóng vai trò là đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, những người sản xuất kinh doanh, ngoài bất động sản thứ nhất là nhà xưởng, cửa hàng, đều phải sở hữu hoặc đi thuê bất động sản thứ hai để ở. Vậy, chẳng lẽ họ phải chịu thêm mức thuế 2% mỗi năm vì sở hữu nhiều hơn một bất động sản?
Việc áp thuế bất động sản thứ hai trong trường hợp này vô tình khiến giá hàng hóa họ bán ra phải cộng thêm 2% mỗi năm. Và cuối cùng, chính người tiêu dùng sẽ phải trả khoản thuế này, giống như thuế VAT.
>> 'Đánh thuế đất theo giá trị để kìm giá nhà Hà Nội'
Một ví dụ nữa là người dân từ tỉnh lẻ lên thành phố buôn bán hoặc làm công nhân, chắt bóp lắm mới mua được một căn hộ. Hằng năm, họ đã phải đóng thuế thổ trạch (thuế này có nhà là phải đóng). Còn ngôi nhà ở quê, rộng cả trăm m2, mỗi năm sẽ phải chịu thêm 2% thuế bất động sản thứ hai? Giả sử giá trị của mảnh đất đó là một tỷ đồng, tức là mỗi năm họ phải đóng 20 triệu đồng tiền thuế, thử hỏi họ xoay sở thế nào?
Tôi nói vậy vì 90% dân quê đều đã có nhà đất cho ông bà, cha mẹ để lại. Như vậy, nếu người lao động không có tiền đóng khoản thuế bất động sản thứ hai, họ sẽ buộc phải bán nhà thành phố, hoặc bán nhà ở quê. Việc bán nhà cũng không hề dễ vì thuế cộng dồn hàng trăm triệu đồng chứ không ít.
Và còn rất nhiều những trường hợp khác cho thấy bất cập của thuế bất động sản thứ hai. Cho nên, khoản thuế này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới toàn xã hội chứ không chỉ riêng người có bất động thứ hai. Đó là lý do cơ quan quan quản lý mới phải cân nhắc thật kỹ, tìm giải pháp hợp lý trước khi có quyết định cuối cùng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.