"Tôi cũng là người cho thuê mặt bằng. Thực tế, số tiền tôi bỏ ra để mua nhà rất lớn, còn số tiền cho thuê nhận lại thì nhỏ giọt, đó là chuyện đánh đổi được mất và tính toán trong kinh doanh. Trong đợt dịch trước, tôi cũng đã giảm một tháng tiền nhà cho bên thuê, thế nhưng đợt dịch này họ lại đòi giảm 100% tiền nhà cho họ do kinh doanh không như mong muốn vì phải đóng cửa tạm thời.
Tôi tư vấn cho họ rằng nếu kinh doanh không hiệu quả thì họ trả mặt bằng và tôi trả lại tiền đã đóng nhưng họ không đồng ý vì muốn giữ lại để sau này làm ăn. Tôi cũng là người phải thuê mặt bằng làm xưởng (vì mặt bằng hiện tại không phù hợp kinh doanh lĩnh vực của mình nên tôi cho thuê lại và đi thuê mặt bằng khác), dịch bệnh ảnh hưởng 50% đến doanh số, nhưng tiền thuê nhà là điều hiển nhiên tôi phải chấp nhận, không kỳ vọng ai giảm giá hay miễn phí cho mình. Thay vào đó, tôi tự cố cắt giảm chi phí các khoản khác để bù lại số thất thu.
Khi ký hợp đồng dài hạn, các bên buộc phải chấp nhận chuyện được - mất. Trong trường hợp giá mặt bằng tăng cao, giá bạn thuê vẫn sẽ được đảm bảo ổn định, không phải đàm phán lại, hay lo lắng tìm mặt bằng mới, chủ nhà vẫn buộc phải chấp nhận giá cũ vì hợp đồng đã ký, mất đi các cơ hội cho thuê giá cao hơn hoặc bán ngay khi cần tiền, đó là cái được của người đi thuê. Ngược lại, khi dịch bệnh, kinh doanh không như ý, bạn cũng nên chấp nhận cái mất của mình. Đã kinh doanh thì được ăn thua chịu.
Không thể có chuyện được thì mình ăn hết, còn thua thì bắt người khác (chủ nhà) phải chịu cùng. Như vậy liệu có công bằng với người cho thuê nhà không?".
Đó là chia sẻ của độc giả Corlor galaxy từ góc nhìn của một người cho thuê mặt bằng kinh doanh. Sau ba đợt tạm đóng cửa vì dịch, nhiều cơ sở kinh doanh bị dồn vào đường cùng khi thất thu nặng nề. Nhiều người đi thuê mặt bằng than thở về tình hình cạn kiệt tài chính, đề nghị chủ nhà giảm giá cho thuê nhưng không được chấp nhận. Đây cũng là nguồn cơn của cuộc tranh cãi giữa một bên là người có mặt bằng cho thuê và bên kia là những người đi thuê.
Cũng gặp thế khó khi cho thuê mặt bằng kinh doanh trong mùa dịch, bạn đọc LHN bày tỏ: "Tôi cũng là người cho thuê nhà. Thấy người thuê cũng làm ăn khó khăn trong mùa dịch nên tôi chủ động giảm tiền thuê nhà. Những tưởng việc đó sẽ giúp san sẻ gánh nặng cho người kinh doanh nhưng sau giảm xong, họ cứ liên tục lấy lý do khó khăn để không trả tiền nhà cho tôi suốt ban, bốn tháng nay. Đến giờ, tôi cũng không biết tính sao cho vừa lòng họ? Thực tế, người cho thuê cũng dựa vào tiền thuê nhà để sống, còn người thuê thì lại luôn lấy lý do dịch bệnh để đòi giảm, thậm chí chây ỳ trả tiền nhà, cũng không chịu trả mặt bằng cho chủ nhà".
>> Cơn đau đầu của người cho thuê nhà
Đánh giá câu chuyện trên góc độ pháp lý, độc giả ĐinhThuThuy nhấn mạnh không thể ép chủ nhà phải giảm tiền thuê mặt bằng vì lý do dịch bệnh: "Thuê nhà và cho thuê là tự nguyện và chắc chắn có hợp đồng đi kèm. Vì vậy thỏa thuận sẽ dựa trên cơ sở hợp lý cho cả hai bên. Khi xác định thuê nhà để kinh doanh thì bên thuê cũng phải chấp nhận mọi rủi ro nếu có chứ không thể lúc làm ăn được thì vui, gặp rủi ro lại đổ hết lên đầu người cho thuê được.
Tình hình dịch bệnh, cả hai bên đều thiệt hại chứ không riêng bên nào. Ai cũng có gia đình, nếu mọi rủi ro cứ nghiêng hết về phía bên cho thuê thì chắc không ai dám cho thuê nhà nữa. Trong trường hợp này, người thuê phải tính toán hết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình đi thuê mặt bằng và tự chịu trách nhiệm với quyết định ấy. Việc thuê dài hạn hay không cũng là do họ tự lựa chọn (vì lo sợ bị lấy nhà sớm hoặc tăng giá) chứ không ai ép buộc họ phải trả tiền cả năm".
Đồng tình với quan điểm này, bạn đọc Van Thi khẳng định cần tôn trọng các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng cho thuê thay vì bắt chủ nhà phải gánh hết trách nhiệm: "Theo tôi, các bên có thể ngồi với nhau để tìm cách chia sẻ rủi ro. Trong trường hợp này, người đi thuê phải chấp nhận thiệt hại hơn người cho thuê gấp hai, ba lần mới hợp lý. Quan trọng là hợp đồng cho thuê ràng buộc như thế nào để đưa ra phương án tốt nhất cho các bên.
Không phải cứ lấy cớ dịch bệnh, làm ăn không được là có thể muốn trả theo ý của mình thế nào cũng được. Nếu người cho thuê phải vay ngân hàng để mua mặt bằng đầu tư cho thuê thì sao? Họ có được ngân hàng giảm 50% lãi vay không? Hay như trường hợp người thuê kinh doanh tốt thì chủ nhà có tăng giá thuê tùy tiện không? Làm ăn đầu tư thì phải chấp nhận rui ro, nếu anh muốn an toàn thì hãy đi mua bảo hiểm rủi ro thay vì bắt người cho thuê mặt bằng phải chia sẻ gánh nặng".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.