Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), hãng chế tạo J-20, hồi tháng 1 công bố hình ảnh biên đội 4 tiêm kích tàng hình J-20 hai chỗ đang bay, với ngoại hình gần giống mẫu tiêm kích một chỗ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc hé lộ hình ảnh đồ họa về biến thể tiêm kích tàng hình mới.
Tạp chí quân sự Công nghệ Khoa học Quân khí Trung Quốc hôm qua đăng bài viết nhận định về mục đích của AVIC khi phát triển mẫu tiêm kích tàng hình hai chỗ ngồi, trong đó nhận định phiên bản J-20 này sẽ cần thêm một phi công để điều khiển các hệ thống công nghệ hiện đại thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn.
"Biến thể J-20 hai chỗ xuất hiện do nhiệm vụ của dòng tiêm kích này trở nên đa dạng và Trung Quốc cần một chiến đấu cơ uy lực hơn", bài báo cho biết và dự đoán biến thể J-20 hai chỗ "sẽ được trang bị nhiều thiết bị tiên tiến hơn các loại tiêm kích hai chỗ ngồi khác của Trung Quốc".
"Tiêm kích J-20 có thể dễ dàng tham gia nhiệm vụ tác chiến điện tử nhờ nguồn năng lượng mạnh mẽ, radar điều khiển hỏa lực và hệ thống điện tử hàng không tích hợp", bài viết có đoạn. "Phi công ngồi phía trước sẽ điều khiển máy bay, phi công phía sau sẽ điều khiển nền tảng tác chiến điện tử, biến J-20 trở thành cơn ác mộng với thiết bị điện tử đối phương".
Phi công thứ hai còn có thể điều khiển đội máy bay không người lái (UAV) trợ chiến cho tiêm kích J-20. "Các UAV có thể làm mồi nhử để thu hút đối phương hoặc làm máy bay tàng hình lộ diện. Chúng có thể thu thập thông tin tình báo, tấn công hệ thống phòng không của đối phương và tham gia thiết lập ưu thế trên không", bài báo cho biết.
Tác giả bài báo nhận định các kỹ sư Trung Quốc đã có kinh nghiệm trong chế tạo biến thể hai chỗ của J-10 , tiêm kích dựa trên nguyên mẫu IAI Lavi của Israel, do đó việc chế tạo biến thể hai chỗ của J-20 "sẽ khả thi về mặt công nghệ".
J-20 với biệt danh Uy Long là tiêm kích tàng hình do Trung Quốc phát triển, được cho là có khả năng tấn công chính xác và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Quân đội Trung Quốc biên chế J-20 từ năm 2017, song năng lực của tiêm kích này vẫn bị hạn chế bởi loạt vấn đề về động cơ.
Trung Quốc chưa công bố số lượng cụ thể tiêm kích J-20 trong biên chế. Một bài viết khác trên tạp chí Công nghệ Khoa học Quân khí cho biết khoảng 90 chiếc J-20 đã xuất xưởng, đồng thời nhận định quân đội Trung Quốc sẽ cần khoảng 400-500 tiêm kích loại này.
Các nguồn tin quân sự Trung Quốc hôm 20/4 cho biết động cơ nội địa WS-15, được phát triển cho J-20 nhằm tăng độ cơ động và khả năng chiến đấu của tiêm kích, dự kiến hoàn tất trong hai năm tới. WS-15 sẽ thay thế động cơ Nga trên J-20 và giúp tiêm kích "có thể sánh nganh với F-22 của Mỹ", nguồn tin cho hay.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)