Các kỹ sư hàng không Trung Quốc nhận định biến thể động cơ WS-10C do nước này tự phát triển tốt ngang động cơ AL-31F của Nga, một nguồn tin quân sự cho biết. "Trung Quốc không thể phụ thuộc vào động cơ của Nga, do Moskva yêu cầu Bắc Kinh mua thêm tiêm kích Su-35 để đổi lấy các hợp đồng động cơ AL-31F", nguồn tin cho biết.
Đây là lý do Trung Quốc quyết định ngừng gắn động cơ AL-31F trên tiêm kích tàng hình J-20, chuyển sang sử dụng động cơ nội địa nâng cấp.
"Vấn đề quan trọng là ngoài lợi thế về tầm tác chiến xa hơn, Su-35 kém hơn so với các máy bay Trung Quốc như tiêm kích J-16 về hệ thống định vị và các thành phần điện tử khác", nguồn tin cho biết. Trung Quốc là nước đầu tiên mua Su-35 Nga với hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD cho 24 tiêm kích, lô hàng cuối cùng được bàn giao vào cuối năm 2018.
Ảnh xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc cuối năm ngoái cho thấy một nguyên mẫu J-20 trang bị động cơ mới với số hiệu 2021, được cho là không sử dụng động cơ Nga. Tài khoản WeChat của War Industry Black Technology, hãng quốc phòng đặt trụ sở tại Thâm Quyến, nhận định bức ảnh cho thấy Trung Quốc đã sản xuất một lô nguyên mẫu J-20 thế hệ hai mới để thử nghiệm.
Nguồn tin quân sự cho biết nguyên mẫu J-20 mới được trang bị hai động cơ WS-10C, nhưng cho hay động cơ này mới chỉ là lựa chọn tạm thời cho tiêm kích tàng hình Trung Quốc.
"WS-10C được gắn trên J-20 thay thế cho động cơ Nga bởi động cơ nội địa hiện đại hơn WS-15 đã không vượt qua được khâu đánh giá cuối cùng hồi năm 2019", nguồn tin cho biết.
"Không quân Trung Quốc không hài lòng với kết quả cuối cùng và yêu cầu các kỹ sư phải chỉnh sửa động cơ WS-15 tới khi đáp ứng tất cả tiêu chuẩn, ví dụ đạt mức tốt ngang động cơ F119 mà tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ sử dụng", nguồn tin cho biết. "Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến trình cải tiến WS-15 trong năm 2020".
Một phiên bản J-20B chỉnh sửa được sản xuất loạt vào tháng 6/2020, sau khi Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thành Đô (CAC) hoàn tất dây chuyền lắp ráp thứ tư vào năm 2019. Mỗi dây chuyền có khả năng chế tạo một chiếc J-20 mỗi tháng. Tuy nhiên, những chiếc J-20 này tiếp tục sử dụng động cơ của Nga vì WS-10C cần được thử nghiệm trong ít nhất một năm nữa, nguồn tin cho biết.
Trước đó, những chiếc J-20 được giao cho không quân Trung Quốc từ năm 2017 sử dụng WS-10B, biến thể "lấp khoảng trống" của WS-10. Mẫu động cơ WS-10 vốn được phát triển cho tiêm kích thế hệ thứ 4 của Trung Quốc, không phù hợp để sử dụng trên tiêm kích tàng hình.
Trung Quốc phát triển động cơ WS-15 cho tiêm kích J-20 từ năm 2006, song tiến độ chương trình bị chậm vì một loạt vấn đề, bao gồm vụ nổ động cơ khi thử trên mặt đất năm 2015.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào năm 2017 và Lầu Năm Góc bắt đầu triển khai tiêm kích tàng hình đa nhiệm F-35 tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc buộc phải gấp rút biên chế J-20 để ứng phó.
Antony Wong Tong, chuyên gia quân sự tại Macau, cho rằng việc trì hoãn lắp đặt động cơ WS-15 có thể ảnh hưởng tới chương trình phát triển máy bay dài hạn của Trung Quốc.
"Tiêm kích J-20 cần rút ngắn thời kỳ chuyển đổi và gắn động cơ WS-15 càng sớm càng tốt vì Mỹ nhiều khả năng sẽ biên chế tiêm kích thế hệ thứ 6 trong khoảng một thập kỷ nữa", Wong nhận định.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)