Trong video được Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), hãng chế tạo J-20, công bố ngày 11/1 xuất hiện biên đội 4 tiêm kích tàng hình J-20 hai chỗ đang bay, với ngoại hình gần giống mẫu tiêm kích một chỗ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc hé lộ hình ảnh đồ họa về biến thể tiêm kích tàng hình mới.
AVIC từ lâu được cho đang phát triển biến thể J-20 hai chỗ và video do hãng tung ra được nhận định là sự thừa nhận thông tin trên. Một nguồn tin trong quân đội Trung Quốc (PLA) khẳng định không quân nước này đang phát triển mẫu J-20 mới.
Tiêm kích tàng hình J-20, với biệt danh Uy Long, là mẫu máy bay một chỗ ngồi có khả năng tấn công chính xác và hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết. J-20 được biên chế năm 2017 và xuất hiện trong nhiều cuộc phô diễn sức mạnh gần đây của PLA, dù các chuyên gia Trung Quốc được cho là vẫn chưa khắc phục được hạn chế về động cơ của dòng tiêm kích này.
Giới chuyên gia quân sự nhận định biến thể hai chỗ ngồi của J-20 là bước phát triển đáng kể của không quân Trung Quốc. Jon Grevatt, chuyên gia về tiêm kích của tổ chức phân tích tình báo Janes, cho biết biến thể hai chỗ ngồi cung cấp nhiều khả năng tấn công cùng các biện pháp đối phó và tác chiến điện tử hơn mẫu một chỗ ngồi.
"Các máy bay một chỗ ngồi thường nhỏ, nhanh và có độ cơ động cao hơn, song tầm hoạt động ngắn. Chúng được thiết kế để đánh chặn, hộ tống và không chiến", Grevatt nói. "Máy bay hai chỗ ngồi là loại hạng nặng, có nhiều chế độ hoạt động như không chiến và không kích, tầm bay xa hơn".
"Chúng thường được sử dụng trong tình huống chiến đấu phối hợp giữa phi công với sĩ quan điều khiển vũ khí và thao tác với thiết bị tác chiến điện tử. Việc phát triển biến thể hai chỗ ngồi của J-20 không dễ dàng do cần thiết kế lại hoặc sửa đổi mẫu tiêm kích cũ. Đó là một thách thức công nghệ", chuyên gia này nói thêm.
Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự tại Hong Kong, nhận định biến thể J-20 hai chỗ ngồi có thể đảm nhận vai trò của tiêm kích bom. "J-20 hai chỗ ngồi có thể mang nhiều vũ khí và có khả năng tấn công mặt đất mạnh hơn. Máy bay sẽ đóng vai trò của cả tiêm kích lẫn oanh tạc cơ", ông Tống cho biết.
Không quân Trung Quốc hồi tháng 11/2020 tuyên bố J-20 là "xương sống" trong năng lực tác chiến trên không của nước này. Trung Quốc chưa công bố số tiêm kích J-20 trong biên chế, song được cho đã sở hữu ít nhất 20 chiếc.
Trong báo cáo công bố tháng 10/2020, Viện Nghiên cứu Quân sự Hoàng gia Anh nhận định "những nâng cấp tiếp theo của J-20 có thể nhằm tăng các đặc tính tàng hình và khả năng của cảm biến trên mẫu tiêm kích này".
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)