"Văn phòng đại sứ quán Anh tại Kiev đang được tạm di dời. Nhân viên sứ quán đang làm việc tại văn phòng đại sứ quán tại Lvov", Bộ Ngoại giao Anh cho biết trong thông cáo ngày 18/2. "Văn phòng tại Lvov có thể cấp giấy tờ và cung cấp một số hỗ trợ lãnh sự. Cần đặt lịch hẹn để tới văn phòng ở Lvov".
Bộ Ngoại giao Anh cũng khuyến cáo công dân rời khỏi Ukraine khi phương tiện giao thông thương mại vẫn còn, đồng thời cảnh báo "bất cứ hoạt động quân sự nào của Nga tại Ukraine sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung cấp hỗ trợ lãnh sự của chính phủ Anh" tại quốc gia Đông Âu.
Anh chưa thông báo thời gian nhân viên ngoại giao trở lại thủ đô Kiev. Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.
Thông báo di dời đại sứ quán được đưa ra một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Anh công bố bản đồ cho thấy 7 hướng Nga có thể tấn công Ukraine. Bản đồ này cho thấy ba hướng tiến công tiềm tàng của Nga nhằm vào thủ đô Kiev của Ukraine, cùng ba hướng hành quân khác nhằm vào trung tâm công nghiệp Dnepr. Hướng tiến công thứ 7 có thể bắt đầu từ bán đảo Crimea, nơi Nga sáp nhập năm 2014.
Mỹ ngày 14/2 thông báo chuyển hoạt động của đại sứ quán ở Kiev đến Lvov vì lo ngại an toàn của nhân viên ngoại giao và "hành động quân sự của Nga" gần biên giới với Ukraine. Công dân Mỹ cũng được khuyến cáo rời khỏi Ukraine bằng phương tiện giao thông thương mại hoặc tư nhân.
Động thái dời đại sứ quán của Anh và Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng liên quan Ukraine leo thang, sau khi phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tiến đánh Ukraine.
Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Nga những ngày qua thông báo rút các đơn vị gần biên giới Ukraine và bán đảo Crimea sau khi hoàn tất diễn tập, song chưa công bố cụ thể quân số và lượng khí tài được rút về. Động thái này được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và bày tỏ thiện chí trong đàm phán, đồng thời đáp trả cáo buộc từ tình báo phương Tây rằng họ sẽ tấn công Ukraine ngày 16/2.
Tuy nhiên, Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây hoài nghi tuyên bố của Nga, yêu cầu Moskva có động thái rút quân thực chất. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bác bỏ quan điểm cho rằng mối đe dọa ở biên giới Nga - Ukraine đã giảm bớt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/2 cho rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã quyết định tiến đánh Ukraine và có thể phát động chiến dịch "trong vài ngày tới". Biden cáo buộc Nga đang triển khai chiến dịch tung tin giả và cáo buộc Ukraine lên kế hoạch tấn công nhằm tạo cớ phát động chiến dịch tấn công tổng lực.
Ngoại trưởng Lavrov trước đó chỉ trích một số quan chức cấp cao phương Tây vì tiếp tục cáo buộc "Nga sắp tấn công Ukraine" và khiến dư luận lo lắng. Theo ông, giới chức phương Tây "thích thú với việc cáo buộc Nga". "Tôi chắc rằng các nhà quan sát chính sách đối ngoại bình thường từ lâu tự khẳng định rằng tất cả cáo buộc đó đều là tuyên truyền, tin vịt và hư cấu", Lavrov nói.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)