Việc tham gia các hoạt động xã hội, tham dự các chương trình văn nghệ có tính nghệ thuật, hay dự khán những trận đấu thể thao hấp dẫn vốn dĩ là niềm vui, là sự hứng khởi.
Thế nhưng không ít giáo viên và học sinh vô cùng chán ngán và mệt mỏi khi nhận được chỉ đạo điều động đi dự khán các chương trình, nguyên nhân là do đâu?
Mất ngày nghỉ ngơi
Lẽ thường các chương trình văn nghệ, thể dục thể thao hay các hoạt động xã hội khác thường được tổ chức vào các ngày cuối tuần, vì thời gian đó công chức, viên chức hay học sinh mới có thể tham gia được.
Tuy nhiên, có khi cả tháng thầy trò đều phải tham dự các chương trình cả bốn ngày chủ nhật, và thế là mất hẳn ngày cuối tuần để nghỉ ngơi, thư giãn và thời gian dành cho gia đình. Chờ đợi dường như đã thành thông lệ, để đảm bảo chương trình diễn ra được trọn vẹn, thành công.
Ban tổ chức luôn luôn trừ hao giờ tập trung. Ví dụ giấy mời cho các đại biểu là 8h00 , thế nhưng khi chỉ đạo về các trường lại trừ hao sớm nửa tiếng, nào đã hết, lãnh đạo trường lo lắng tới trễ sẽ bị phê bình lại trừ hao thêm nửa tiếng nửa. Thế là thầy trò có mặt từ lúc 7h00, có khi còn tới sớm hơn cả ban tổ chức, chờ đợi mãi mới thấy chương trình bắt đầu.
Ý nghĩa giáo dục
Tôi đã từng chứng kiến cảnh trong lúc học trò cặm cụi nhặt rác, một người quản lý ngồi ghế đá bấm điện thoại, quản lý các em. Như vậy, ý nghĩa giáo dục ở đâu khi học trò hiểu rằng, mình chỉ phải làm vì mình còn nhỏ, còn khi lớn lên thì sẽ không phải làm nữa.
Ngoài ra, sự mỏi mệt của thầy trò sau khi chờ đợi, rồi đứng mỏi chân tham dự chương trình với các tiết mục văn nghệ, các bài phát biểu dưới thời tiết lúc nắng, khi mưa cũng chưa thực sự được thông cảm để giảm những gánh nặng này.
Quá tải
Không những tham dự các chương trình văn nghệ mà thầy trò còn phải tham dự, dự khán các chương trình khác khi cần có đông người cổ vũ, hoặc khi cần lấp đầy các chỗ trống, thì giáo viên và học sinh các trường lại bị điều động.
Nhiều khi việc điều động diễn ra trong tuần, học trò còn phải nghỉ học để tham gia đảm bảo số lượng được giao. Chế độ, phụ cấp Luật lao động quy định rất rõ việc làm thêm giờ, làm ngoài giờ nhất là ngày lễ tết, ngày chủ nhật.
Tuy nhiên, việc điều động giáo viên đi quản lý học sinh vào những ngày nghỉ dường như lại là một ngoại lệ. Hầu như các hiệu trưởng đều nghiễm nhiên cho rằng đó là nhiệm vụ của giáo viên, và không thực hiện chế độ lao động này cho giáo viên.
Nếu giáo viên có ý kiến thì bị cho rằng đòi hỏi, rằng đó là nhiệm vụ phải làm và trường không có nghĩa vụ chi trả. Việc đưa học sinh ra ngoài trường học để các em trải nghiệm, tham gia các hoạt động xã hội là cần thiết.
Tuy nhiên, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, và thực hiện chương trình ngắn gọn, hiệu quả là điều mà các cấp quản lý giáo dục cần quan tâm.
Hiếu Quân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.