Các vụ bạo hành cô giáo với học sinh, học sinh đánh nhau, lột đồ, xúc phạm nhau cũng đang ngày càng phức tạp. Phải chăng ngành giáo dục đang đi sai hướng, đang vẽ đường cho hươu chạy khi mà gần như các vụ việc giáo viên đều là người có lỗi và bị lên án nặng nề. Phải chăng giáo viên trong mọi trường hợp đều sai.
Tôi xin hỏi thế hệ 7x, 8x đầu 9x có ai từng đi học mà không bị cô giáo cho ăn roi chưa? Có lẽ lớp 40 người thì 30 người từng bị ăn roi của cô phải không. Nhưng ngày xưa có ai nói gì không, có phụ huynh nào bênh con không, xã hội có lên án không, học sinh có dám hỗn láo với thầy cô không? Ai cũng hiểu nếu thuộc thế hệ này. Và bây giờ ra đời, lớn khôn, lập gia đình thì có mấy ai hận cô vì ngày xưa cô đánh, thầy phạt. Phạt vì ai, phạt cho ai, ngoan thì ai phạt, chịu khó thì cô nào phạt. Thế hệ 8X chúng tôi dù có thế nào cũng không bao giờ dám hỗn láo với thầy cô cho dù có những bạn từng bị cô đánh sưng mông khiến cái thước gãy làm ba.
Vẫn biết giáo dục bằng bạo lực không phải là phương pháp hay nhưng ai cũng hiểu giáo dục không có roi vọt thì bây giờ thế nào chúng ta đã rõ. Tôi chỉ bức xúc khi cô giáo bắt học sinh quỳ, đã có sự đồng ý của phụ huynh nhưng phụ huynh thì nói "tôi chỉ bảo vậy không ngờ cô làm thật". Ngay cả phụ huynh còn nói một đằng làm một nẻo hỏi sao con không ngoan. Tôi cũng bức xúc khi cô giáo bị đình chỉ giảng dạy và người đứng đầu cơ quan không có biện pháp bảo vệ cô, mà còn bênh học sinh là các cháu bình thường vẫn ngoan.
Phải chăng các vị đứng đầu cơ quan nhà trường lo cho cái ghế của mình nên phát biểu vậy, tại sao các vị không dũng cảm bảo vệ những người giáo viên của mình. Còn những người ở cao hơn nữa chỉ biết chỉ thị xuống đình chỉ này nọ. Nói thì hay nhưng thực tế lại khác lắm. Xin các vị hãy đứng lớp chủ nhiệm hay dạy những lớp vài ba học sinh cá biệt chắc các vị không dám phát biểu thế nữa đâu. Nhiều người nói nên dùng các biện pháp tình cảm, nhẹ nhàng. Nào là gọi các em đó ra khuyên nhủ riêng, động viên riêng để các em không xấu hổ trước mặt bạn bè. Xin thưa rằng nếu học sinh biết nghĩ sâu hơn, nếu các em không phải quá cá biệt mà chỉ là sự nhất thời nông nổi thì đó là biện pháp tốt. Đương nhiên đâu đó trên đất nước chúng ta có nhiều em học sinh sẽ nhận ra vấn đề và trở lên ngoan hơn. Nhưng số đó ít lắm và bất đắc dĩ các cô giáo mới phải dùng những biện pháp đòn ròi, phạt quỳ với học sinh.
Trong rất nhiều bình luận đâu đó ở các bài báo mọi người đều ủng hộ cô giáo với hình thức phạt quỳ. Nói theo luật thì là xúc phạm danh dự học sinh nhưng theo một góc độ nào đó thì đó là biện pháp răn đe khi những biện pháp tình cảm khác đã bất lực trước những cậu học trò cá biệt này rồi.
Ngày xưa mỗi gia đình dù ít con hay nhiều con nhưng bố hoặc mẹ luôn có những biện pháp kỷ luật khiến con sợ mà tránh vi phạm. Chắc nhiều người còn nhớ bố mình hay mẹ mình luôn có cái roi mây gác mái nhà. Khi vi phạm thì cứ tự giác nằm lên giường mà ăn roi , thế mới có chuyện vui là nhét mo cau vào trong quần cho khỏi đau.
Ngày đó cha mẹ dạy con bằng đòn roi nhưng con ngoan hơn, không hỗn láo và những vết lươn trên mông nó sẽ khỏi rất nhanh nhưng nhân cách được hình thành lại cho một tương lai tươi sáng hơn cho con cái. Còn bây giờ thì sao, cha mẹ đặt con lên đầu, coi con như sinh vật quý hiếm. Nó đòi gì cũng phải mua, cần gì cũng phải cho, muốn gì cũng đáp ứng bởi họ nghĩ chắc lớn lên nó biết nghĩ. Họ chiều con quá mức, họ nghĩ gia đình có điều kiện thì chăm lo cho con chứ cho ai đâu mà sợ.
Thế nên những đứa con này ra xã hội không coi ai ra gì, coi trời bằng vung. Cây phải uốn từ còn non và con phải dạy từ con nhỏ. Khi lớn lên rồi, vết xe hư hỏng đã hẳn vào nhân cách rồi thì uốn sao được nữa.
Đến trường học không học, cô giáo động đến là phụ huynh làm ầm lên như thể các thầy cô "giết" con họ rồi đó. Vài cái roi vào mông không chết được, cũng không thể làm cho học sinh đó hoảng loạn về tinh thần được, phạt quỳ cũng chẳng có gì gọi là xúc phạm. Bởi cô bắt quỳ nhưng không phải quỳ trước cô, không phải quỳ trước các bạn mà quỳ trước cái bảng, là thứ viết nên tri thức, truyền đi tri thức cho bao thế hệ học trò, là thứ mà mỗi chúng ta đều phải nhìn lên đó để tiếp nhận kiến thức vậy thì có gì gọi là xúc phạm.
Ai đảm bảo chỉ bằng những lời nói và tấm chân tình, lòng bao dung của thầy cô sẽ cảm hóa hết các học sinh hư, học sinh cá biệt. Tôi tin chắc không bao giờ điều đó có thể cảm hóa tất cả học sinh dù người thực hiện có chân tình thế nào đi nữa. Tôi cũng không đảm bảo việc cứ phải phạt đòn roi là các em vào khuôn phép. Nhưng ngoài việc dạy còn phải dỗ, dỗ ngọt không được phải phạt, phải răn đe và có biện pháp cứng rắn hơn để các em đi vào khuôn khổ.
Đừng lúc nào cũng lấy luật giáo dục này nọ ra để rồi nó lại chính là lớp lá chắn giúp học sinh càng hư hơn. Nếu cứ đúng luật chúng ta rất khó để có thể quản lý được học sinh và cứ đúng luật giáo dục ra thì những em học sinh này đáng bị đuổi học lâu rồi. Vậy sao các em vi phạm không lấy luật ra hỏi tại sao vẫn chưa bị đuổi học mà lại lấy luật ra để đuổi các thầy các cô. Những cái gì đã cũ, đã không phù hợp thì nên thay đổi. Đừng nói nhìn sang các nước này nước kia họ không phạt học sinh, không đánh đòn roi.
Bởi mỗi nước có một nền giáo dục khác nhau, pháp luật khác nhau nên đạo đức của học sinh cũng khác nhau. Đơn cử, nếu vào một trường chuyên lớp chọn sẽ thấy chẳng cần các thầy cô làm gì mà các em vẫn ngoan, nhưng thử bước vào một trường phổ thông bình thường, một trường tư thục sẽ thấy sự khác biệt rất lớn về đạo đức của học sinh. Vậy nên đừng để những sự việc như vậy làm các thầy cô giáo nản lòng, đừng để các thế hệ nhân tài trẻ không dám thi sư phạm nữa.
Nếu không làm sớm có lẽ tương lai chúng ta sẽ không có những người giáo viên giỏi và tâm huyết, thay vào đó là những con robot biết đứng trên bục giảng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.