(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Sáng nay rãnh rỗi chở má đi chợ. Trong khi chờ đợi lắng nghe âm thanh ồn ã từ cái loa phát thanh trên cây cột điện nào đó. Nghe giọng cô phát thanh viên sang sảng mà nhói cả tim: "Phụ huynh học sinh vào lớp dùng mũ bảo hiểm đánh giáo viên xỉu trên bục giảng". Đã lâu rồi bản thân cố gắng không chủ động tiếp cận những thông tin như vậy. Để cố giữ chút động lực trên con đường kiếm ăn, nói lộn trên con đường ươm mầm gieo hạt.
"Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Cứ nhẩm đi nhẩm lại để tự an ủi chính mình. Chứ thật ra nghề lao động chân chính nào mà không cao quý. Kỹ sư tâm hồn hay kỹ sư cầu cống thì cũng nào khác gì nhau. Xã hội ngày càng có nhiều thay đổi, nhiều giá trị nhân văn cũng dần có cái nhìn khác hẳn.
>> Trăm 'dâu' đổ đầu thầy cô giáo Việt
Tình cảm nào theo sóng thời gian cũng phai tàn vụn vỡ. Như chuyện nên tôn sư trọng đạo thì nhiều người cứ cào bằng thằng nào chả giống nhau. Vì vậy mà ngày càng có nhiều nỗi buồn cho ai đã lỡ chọn cho mình nghề cao quý.
Chưa nói đến ai đúng ai sai, chỉ thấy thương cho giáo viên khi bị đánh ngay trên "thánh đường" của mình, ngay trước những đôi mắt ngơ ngác bên dưới không biết chuyện gì đang xảy ra. "Công thức của sự thất bại là cố làm hài lòng tất cả mọi người". Cái nghề làm dâu trăm họ sao không bị người thương kẻ ghét. Nhưng này anh chị đã làm cha làm mẹ, có cần ghét đến mức đánh thầy cô của con mình như vậy không? Có thể rồi anh chị sẽ cho rằng mình nóng giận không thể kiềm chế. Nhưng mãi mãi điều ấy cũng chỉ là ngụy biện cho hành vi quá tàn nhẫn của mình.
Những ai chưa từng đứng trên bục giảng chắc không bao giờ biết được các áp lực mà thầy cô giáo nhận lấy. Bạn muốn tạo dáng cho một nhánh cây chỉ cần chút khéo léo và kiên nhẫn, đôi khi quá tay nhánh gãy thì làm lại nhánh khác. Bạn huấn luyện thú cưng cũng chỉ cần thời gian, quan sát các thói quen. Con nào không nghe lời thì đòn roi bạo lực rồi nó sợ nó nghe. Nhưng để uốn nắn chỉnh sửa hành vi của một đứa trẻ thì không hề có công thức chung nào.
>> Tôi bị thầy giáo phạt đứng trên tổ kiến vàng
Thời xưa, bạn có nhiều lắm thì cũng chỉ 10 đứa con, còn hiện tại thì chắc nhiều lắm cũng ba con thôi. Nhưng thầy cô nào cũng có cho mình vài chục đứa con. Đứa nào cũng là một căn phòng với vô vàn các bí mật. Mỗi đứa một tính cách, mỗi cách cư xử, suy nghĩ khác nhau. Và có ngàn câu chuyện xảy ra ở trường ở lớp. Anh chị có biết từ việc bé đến việc lớn ấy ai là người lo liệu cho con của các anh chị không?.
Hãy một lần nói thật, anh chị có bao giờ la mắng hay đánh con mình không? Anh chị có từng chỉ trích nó là đồ này đồ nọ không? Anh chị có dám khẳng định mình chưa hề tức giận vì những hành vi của con mình không? Và anh chị có biết rằng, gia đình chính là môi trường quan trọng nhất cho sự phát triển và hình thành nhân cách của con trẻ hay không?
Chắc là không biết rồi, vì không biết nên anh chị mới hành xử như vậy. Anh chị mới đổ hết trách nhiệm cho thầy cô. Bất cứ lỗi lầm nào, bất cứ thất bại nào của các con, anh chị cũng đều quy chụp. Anh chị lúc nào cũng kêu là mình hiểu con mình nhất, sinh ra nó nên hiểu rõ nó lắm, biết tường tận này nọ. Nhưng anh chị càng nghĩ như vây chứng tỏ anh chị càng không hiểu gì về con mình.
>> 'Không roi vọt, giáo viên rất khó dạy dỗ học sinh hư hỏng'
Mỗi đứa trẻ sẽ thể hiện mình khác nhau trong những môi trường khác nhau. Sao lại vội vàng lắng nghe từ một phía. Sao không lắng lòng nghĩ đến chút công lao bé nhỏ của những người ngày ngày kiên trì uốn nắn từng hành vi,từng lời nói cho con của anh chị. Chúng tôi biết là mình cũng được trả công, nhưng thật lòng nếu được quay trở lại thời thanh xuân vụng dại ấy, chẳng ai trong chúng tôi chọn nghề giáo. Anh chị là những người tài giỏi thì hãy tự giáo dục con mình, chúng tôi nào xứng đáng.
Anh chị biết không, bố mẹ luôn là tấm gương sáng để con cái nhìn vào và học hỏi. Con của anh chị chắc sẽ tự hào về bố mẹ chúng và anh chị chắc cũng tự hào lắm về chính mình, khi đã đánh thầy cô ngay trên bục giảng, hay bắt thầy cô quỳ xuống để xin lỗi, hay biết cách dùng những câu từ hay ho để miệt thị chúng tôi. Rồi anh chị chắc cũng có bố mẹ, gia đình bè bạn và các mối quan hệ xung quanh. Khi họ biết chuyện, chắc họ ngưỡng mộ anh chị lắm lắm.
Tình cờ xem một phóng sự về thầy hiệu trưởng và các giáo viên vùng cao. Khi trường đã hết chế độ hỗ trợ cho học sinh bán trú, thầy ấy đã cặm cụi viết thư tay rồi gởi đi khắp nơi để xin gạo, chỉ mong duy trì bữa ăn cho các em để các em tiếp tục học tập. Hay như câu chuyện của một chị giáo viên để sống với nghề, chị không ngại làm thêm nghề tay trái là thu nhặt ve chai. Nhớ mãi hình ảnh cô giáo ngày xưa của mình, quần áo lấm lem bùn đất khi chở phía sau dưa cà rau củ.
>> Thời công nghệ, giáo viên bị soi mói thái quá?
Rồi các anh chị mà mình từng gắn bó, đã từng đi dạy vào mùa nắng cũng mặc áo mưa. Mùa mưa thì giày quần áo cho vào cái túi treo lủng lẳng. Tất cả chỉ muốn mình được tươm tất trước mắt học sinh. Đi làm mà như đi phượt, ca - mên cơm canh từ sáng đến trưa nguội lạnh, giấc ngủ co ro ngắn ngủi trên bốn cái ghế của mấy chị có mang em bé. Còn nhiều và rất nhiều những hình ảnh về chúng tôi, anh chị có biết không những anh chị phụ huynh nhiều quyền lực.
Đôi khi thực tế và lý thuyết không bao giờ giống nhau. Vì vậy mà mỗi khi nghe ai đó nhen chút ước mơ thành thầy cô, bỗng nhiên chạnh lòng. Cứ muốn quyết tâm ngăn cản cho xong. Làm vậy sẽ bị cho là tàn nhẫn, sẽ bị trách móc sao không bơm kích thích vào ước mơ. Nhưng "này này này là em gì ơi, em gì ơi, em gì ơi" em phải suy nghĩ cho thật kĩ: Em được gì khi đứng trên bục giảng.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Lê Thành Ngọc