De Telegraaf cho biết có ít nhất bốn trường hợp phá hoại tháp 5G được ghi nhận. Kẻ phá hoại còn để lại các thông điệp bằng sơn tại hiện trường. Tuy nhiên, chưa có người nào bị bắt.
Trên website, Tổ chức An ninh và Chống khủng bố (NCTV) của chính phủ Hà Lan cho biết đã ghi nhận các sự cố liên quan trạm viễn thông tuần qua, cũng như những ý kiến phản đối triển khai 5G. "Việc phá các trạm phát sóng có thể dẫn đến nhiều hậu quả, trong đó gây gián đoạn thông tin liên lạc, bao gồm dịch vụ khẩn cấp", NCTV cảnh báo.
Việc phản đối xây dựng mạng 5G bị phản đối tại Hà Lan xảy ra từ năm ngoái. Một số nhóm yêu cầu chính phủ không triển khai mạng di động thế hệ mới do lo ngại sóng vô tuyến gây tổn thương đến sức khoẻ con người, trong khi số khác sợ công nghệ này có thể xâm phạm quyền riêng tư.
Các nhà mạng lớn tại Hà Lan hiện trong giai đoạn thử nghiệm 5G, chưa triển khai đại trà do phải chờ đấu giá phổ tần, dự kiến kết thúc tháng 6 tới.
Trước đó, ít nhất 20 cột phát sóng di động của nhiều nhà mạng Anh cũng bị đốt hoặc phá. Sự cố bắt nguồn từ tin giả rằng Covid-19 lây lan qua mạng 5G. Thông tin vô căn cứ được các thành viên nhóm cực đoan New Agers và QAnon tích cực phát tán, nhằm gây hoảng loạn và kích động người dân trên mạng xã hội. Chính quyền Anh phải lên tiếng khuyến cáo, trong khi các nhà mạng EE, O2, Three và Vodafone cũng đưa ra thông báo chung, yêu cầu người dùng không nghe theo tin đồn thất thiệt và phá hoại trạm phát sóng di động.
Bảo Lâm (theo Reuters)