Phát ngôn viên Vodafone cho biết ít nhất bốn cột phát 5G ở Birmingham, Liverpool và Melling (Merseyside) của công ty và đối tác O2 bị đốt tuần trước. Vụ phá hoại bị nghi liên quan đến tin giả rằng các trạm 5G là nguồn phát tán Covid-19.
"Chúng tôi đã nhận được báo cáo về các vụ phá hoại xuất phát từ thuyết âm mưu lan truyền trên mạng", phát ngôn viên Cục Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh nói. "Những người vi phạm sẽ phải đối mặt với bản án hình sự. Các công ty mạng xã hội cũng phải có trách nhiệm và thực hiện biện pháp ngăn chặn thông tin bịa đặt như vậy trên nền tảng của họ".
Một số nhóm kín trên Change.org, NextDoor, Facebook, Twitter và YouTube chia sẻ thuyết âm mưu rằng Covid-19 lây lan qua sóng 5G vì dịch bệnh này có nguồn gốc từ Vũ Hán, một trong những thành phố đầu tiên triển khai 5G ở Trung Quốc. Tuy nhiên, không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy mối liên quan giữa công nghệ 5G và Covid-19.
Nick Jeffrey, Giám đốc điều hành Vodafone, đánh giá thông tin kích động phá hoại mạng 5G là "vấn đề an ninh quốc gia". "Một số người muốn gây tổn hại mạng lưới hỗ trợ dịch vụ khẩn cấp, dịch vụ y tế và phần còn lại của đất nước trong giai đoạn phong tỏa", ông giải thích. "Những câu chuyện liên kết sự lây lan của Covid-19 với 5G hoàn toàn vô căn cứ. Xin đừng đừng chia sẻ chúng trên mạng xã hội. Tin giả có thể gây hậu quả nghiêm trọng".
Hiệp hội GSMA cũng kêu gọi các nhà mạng và mạng xã hội tăng cường nỗ lực loại bỏ tin giả về mạng 5G.
Thông tin sai lệch luôn là vấn đề nhức nhối trên mạng nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngoài cảnh báo bài đăng chưa được xác thực, các mạng xã hội vẫn chưa thực hiện biện pháp đủ mạnh để ngăn nạn vấn nạn này. Facebook khẳng định cấm tất cả bài đăng kích động phá cột sóng 5G. Tuy nhiên, họ lại từ chối xoá một bài có tiêu đề "Hãy đốt nó" kèm theo video ghi cảnh cột 5G bốc cháy vì không vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng. Bài đăng chỉ bị xóa khi BBC liên lạc với văn phòng truyền thông của Facebook hôm 3/4.
Thông thường, mạng xã hội hạn chế xóa bài vì muốn duy trì quyền tự do ngôn luận trên nền tảng. Tuy nhiên, hiện nay, tin giả và thuyết âm mưu về Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, cản trở nỗ lực phòng chống dịch của chính phủ và hệ thống y tế. Do đó, các mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok đang được yêu cầu siết chặt chính sách kiểm duyệt để hạn chế tối đa thông tin nguy hiểm và vô căn cứ.
Việt Anh (theo BBC)