Ít nhất 20 cột phát sóng di động của các nhà mạng Anh bị đốt hoặc phá tuần trước. Sự cố bắt nguồn từ tin giả rằng Covid-19 lây lan qua mạng 5G. Thông tin vô căn cứ được các thành viên nhóm cực đoan New Agers và QAnon tích cực phát tán, nhằm gây hoảng loạn và kích động người dân trên mạng xã hội.
Giới chức lo ngại sự lan truyền nhanh chóng của thuyết âm mưu thúc đẩy làn sóng phá hoại cột phát sóng di động, đặc biệt khi nó được chia sẻ bởi người nổi tiếng với hàng triệu lượt theo dõi như diễn viên Woody Mitchelson hay ca sĩ Keri Hilson.
Dù nỗ lực ngăn chặn, các tin giả khác liên quan đến đại dịch vẫn xuất hiện tràn lan, cản trở việc phòng chống Covid-19 của chính phủ và hệ thống y tế nước này. Thậm chí, một bài viết còn nói trạm 5G phát ra sóng bức xạ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của con người.
Niềm tin mù quáng vào tin giả
5G là công nghệ kết nối băng thông siêu rộng được kỳ vọng làm thay đổi cách mọi người sống và làm việc trong tương lai, nhờ hàng loạt ứng dụng tiềm năng như xe tự hành hay phẫu thuật từ xa. 5G hoạt động trên phổ tần mới đòi hỏi các nhà mạng phải đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống phát sóng dày đặc. Hiện 5G chủ yếu được triển khai ở các thành phố lớn.
5G được thử nghiệm tại một số thành phố ở Anh năm 2018 và áp dụng rộng rãi vào nửa cuối 2019. Cũng trong năm ngoái, Vũ Hán, nơi 5G được triển khai sớm, ghi nhận những ca dương tính với Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Dựa vào mối liên hệ này, tác giả thuyết âm mưu kết luận sóng 5G là con đường lây nhiễm dịch bệnh.
Thông tin thiếu căn cứu trên tiếp tục được những người phát tán thổi phồng bằng hình ảnh bản đồ hiển thị khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 Mỹ cũng là những nơi phủ sóng 5G. Tuy nhiên CNN cho biết, những khu vực này thực tế đều là khu đô thị đông dân cư nên dễ bị tổn thương hơn khi đại dịch bùng phát.
Nghiên cứu trước đây chỉ ra trạm di động tỏa ra sóng vô tuyến (RF) có mức năng lượng thấp hơn TV và lò vi sóng, không thể phá hỏng DNA và mô của con người. Bên cạnh đó, khả năng đâm xuyên vật cản của sóng 5G kém hơn nhiều so với 4G. Vì vậy, nhà mạng buộc phải thiết lập nhiều trạm phát nhỏ ở gần nhau.
Biện pháp dập tin giả của Anh
Theo BBC, các nhà chức trách Anh triệu tập cuộc họp với các nhà mạng và mạng xã hội đầu tuần qua để đưa ra biện pháp kiểm soát tin giả về dịch bệnh phát tán trên mạng xã hội.
"Chúng tôi nhận được báo cáo về các vụ phá hoại xuất phát từ thuyết âm mưu lan truyền trên mạng", phát ngôn viên Cục Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh nói. "Những người vi phạm sẽ phải đối mặt với bản án hình sự. Các công ty mạng xã hội cũng phải có trách nhiệm và thực hiện biện pháp ngăn chặn thông tin bịa đặt như vậy trên nền tảng của họ".
Các video lan truyền thuyết âm mưu xung quanh Covid-19 và 5G trên YouTube thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. YouTube đã chặn những nội dung này từ 8/4, dù ban đầu công ty tuyên bố chúng không vi phạm chính sách.
Twitter tuyên bố tăng cường sử dụng AI kiểm dịch để kịp thời phát hiện và gỡ bỏ thuyết âm mưu liên quan. Công ty cũng điều chỉnh thuật toán để hạn chế hiển thị bài đăng chứa thông tin sai lệch khi tìm kiếm từ khóa "5G coronavirus", đồng thời đề xuất người dùng tham khảo từ nguồn đáng tin cậy. "Chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý nghiêm khắc tài khoản vi phạm quy tắc của Twitter, gồm phát tán nội dung không thể kiếm chứng, gây ra tình trạng bất ổn xã hội", phát ngôn viên Twitter cho biết.
Ngoài ra, các nhà mạng Anh là EE, O2, Three và Vodafone cũng đưa ra thông báo chung, khuyến cáo người dùng không nghe theo tin đồn thất thiệt và phá hoại trạm phát sóng di động. "Không chỉ là tuyên bố vô căn cứ, tin giả về các trạm 5G phát tán Covid-19 còn gây hại cho chính người dân khi họ không thể kết nối di động, cũng như các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ", tuyên bố chung cho biết.
Việt Anh (theo CNN)