Những ngày qua, có ít nhất bảy trạm phát sóng tại Anh, trong đó có cả những trạm không dùng cho mạng di động tốc độ cao 5G, đã bị phá hoại và đốt cháy. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ thuyết âm mưu cho rằng Covid-19 lây lan qua sóng 5G vì dịch bệnh này có nguồn gốc từ Vũ Hán. Theo BBC, tin giả ban đầu xuất phát từ một số nhóm và mạng xã hội như Change.org, NextDoor, Facebook, Twitter, YouTube và TikTok.
Trong khi đó, AFP cho biết thông tin "Covid-19 lây lan qua mạng 5G" trở nên phổ biến là do sự phát tán của Keri Hilson - một ca sĩ, diễn viên, nhạc sĩ nổi tiếng người Mỹ. Ngày 16/3, cô đã đăng lên Twitter đoạn trạng thái với nội dung khẳng định: virus corona phát tán là do công nghệ không dây thế hệ thứ năm, tức mạng 5G.
Để tạo lòng tin, Hilson "dẫn chứng" rằng Covid-19 bắt đầu tại Vũ Hán (Trung Quốc) là do ở đây xây dựng mạng 5G đầu tiên. Đồng thời, cô tuyên bố đại dịch chỉ bùng phát tại châu Âu, Mỹ mà không phổ biến ở châu Phi vì nơi đó không có 5G. "Mọi người đã được cảnh báo về tác hại của 5G. Những gì chúng ta đang trải qua là do ảnh hưởng của bức xạ. 5G đã ra mắt tại Trung Quốc ngày 1/11/2019. Có người đã chết. Tắt 5G bằng cách vô hiệu hóa LTE", Hilson tweet.
Không những thế, ca sĩ này cũng chia sẻ một đoạn video YouTube từ Thomas Cowan, một bác sĩ người Mỹ cũng gây tranh cãi vì lập luận virus corona được tạo ra bởi mạng 5G. Ông này đang bị Hội đồng Y khoa California quản chế.
Trong video, Cowan cho rằng Vũ Hán là thành phố có 5G đầu tiên nên virus corona cũng từ đó hình thành. Ông ra giả thuyết mạng di động thế hệ mới ra mắt tháng 10/2019 - hai tháng trước đại dịch bùng phát - có liên quan trực tiếp đến sự hình thành của Covid-19.
Không chỉ Hilson và Cowan, nhiều người dùng mạng xã hội, trong đó có một số người có sức ảnh hưởng, cũng đăng các bài viết về "5G tạo ra virus corona". Những trạng thái này nhanh chóng nhận hàng nghìn lượt thích và hàng trăm chia sẻ.
Một số chuyên gia đồng ý Trung Quốc là nước đi đầu về thương mại hóa 5G. Tuy nhiên, không chỉ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ hay Anh đều đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ di động mới từ 2019. Trong khi đó, dù chưa có mạng 5G, Malaysia, Iran, Pháp, Singapore, Nigeria... lại là các ổ dịch của thế giới.
Trước đây, có một số lo ngại về sức khỏe liên quan đến 5G nói riêng và mạng di động nói chung, chủ yếu là bức xạ do chúng gây ra. Tuy vậy, trả lời AFP, các chuyên gia khẳng định mạng 5G không liên quan đến Covid-19.
"Keri Hilson là một ca sĩ tuyệt vời, song tôi không chắc cô ấy biết mình đang nói gì. Vâng, có những lo ngại về những tác động đến sức khỏe của sóng 5G, nhưng nó liên quan đến ung thư, không phải là nhiễm virus", Yusuf Sambo, một nhà nghiên cứu tại Đại học Glasgow, hiện nằm trong nhóm nghiên cứu và thử nghiệm 5G ở Scotland, nói. "Một trong những tweet của cô ấy nói là 'tắt 5G bằng cách vô hiệu hóa LTE', không lẽ cô ấy muốn vô hiệu hóa 4G? Thật kỳ lạ!".
Ông Fabien Heliot, nhà nghiên cứu chuyên về tiếp xúc điện từ trong giao tiếp không dây tại Đại học Surrey, giải thích rằng 5G cũng giống với những hệ thống thông tin viễn thông trước đây, là công nghệ dựa trên sóng tần số radio (RF - Radio Frequency), sử dụng sóng điện từ (EM) để truyền thông tin.
Theo Heliot, khác biệt duy nhất giữa dạng sóng 5G và 4G, là 5G truyền dữ liệu nhanh hơn do sử dụng băng thông tần số lớn hơn. "Virus, một sinh vật sống, không thể được tạo ra bởi bức xạ", Heliot giải thích. Ngoài ra, Heliot cũng cho rằng tác dụng phụ của 5G, nếu có, cũng chỉ giống như 4G, 3G, 2G hay Wi-Fi, thậm chí không nguy hiểm bằng việc quét CT hoặc X-quang trong y tế, bởi tất cả các công nghệ truyền thông không dây này sử dụng dạng sóng EM tỏa năng lượng.
Trước đó, website của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng công bố nhiều nghiên cứu trong hàng thập kỷ qua và hầu hết đều có kết luận: Cho đến nay, không có tác động bất lợi nào đối với sức khỏe từ sóng di động.
Về 5G, WHO cũng cho biết không có tác hại đáng kể. Việc tần số lớn xâm nhập vào các mô cơ thể, nếu có, cũng rất ít và chưa gây ra hậu quả nào với sức khỏe cộng đồng.
Bảo Lâm (theo AFP)