Nhiều năm qua chương trình xây nhà ở xã hội được chính phủ quan tâm thực hiện. Có nhiều điểm tích cực song vẫn còn nhiều bất cập, rào cản khiến nó chưa thực sự phát huy hết vai trò. Từ những vấn đề còn vướng mắc, theo tôi cần có một số điều chỉnh như sau:
Thứ nhất, về vị trí quy hoạch xây dựng: cần quy hoạch quỹ đất sạch (không phải đền bù, giải phóng mặt bằng...). Quy hoạch xây ở mỗi huyện của tất cả các tỉnh có khu công nghiệp để giải quyết bài toán cung cầu. Còn hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM tất nhiên phải quy hoạch ngoại thành để giãn dân.
Thứ hai, về nguồn vốn: gồm ngân sách, xã hội hóa, tổng Liên đoàn cần dùng nguồn 2% đoàn phí công đoàn để phục vụ lại cho xây nhà ở xã hội cho đoàn viên.
Thứ ba, về đối tượng được xét để mua, thuê nhà ở xã hội là: là người lao động có đóng bảo hiểm, chưa có bất kỳ tài sản nào, có đăng ký thường trú tại khu vực xây nhà ở xã hội, có thu nhập dưới mức phải đóng thuế thu nhập, không được sang nhượng cho người khác mà chỉ được trả lại nhà cho ban quản lý khi không còn nhu cầu ở (giá trị khi trả lại sẽ bằng giá mua trừ đi thời gian ở được quy thành thời gian thuê và giá thuê theo năm). Việc này phải được xét bằng phần mềm và công khai trên trang web của huyện, quận có nhà ở xã hội để mọi người được biết.
>> 'Nhà ở xã hội nên ưu tiên cho thuê'
Thứ tư, ngoài bán thì phải có nhà ở xã hội cho thuê: sau khi xét duyệt nếu số người không đủ điều kiện mua hết số nhà ở xã hội của đợt xây này thì chuyển qua xét điều kiện cho thuê. Cũng xét theo điều kiện là người lao động có hợp đồng lao động, thường trú trên sáu tháng. Giá thuê nhà tất nhiên tương đương với giá thuê nhà trọ trên địa bàn.
Thứ năm, về phương thức thanh toán: đối với người mua nhà sẽ thanh toán trả góp bằng 200% giá thuê, còn thuê nhà phải thế chân một tháng.
Nhu cầu nhà ở xã hội không hề nhỏ, nhưng hiện nay nơi thiếu nơi thừa, nên cần có quy hoạch theo quy luật cung cầu, cần được tạo điều kiện về mặt bằng, cần đa dạng nguồn vốn, cần đa dạng hình thức gồm mua và thuê, nhưng vẫn cần giữ vững hai điều kiện: phải là người lao động và thường trú tại địa phương có nhà ở xã hội để hạn chế di dân tự do gây bất ổn xã hội, bị động trong nguồn lao động.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.