Ngày 8/8, Taliban bắt đầu tiến vào Kunduz, thành phố ở miền bắc Afghanistan, nơi vừa trải qua nhiều tuần giao tranh hỗn loạn. Nhiều người dân sống trong cảnh thiếu điện, nước. Đường phố ngập rác.
Nhiều công chức phụ trách các vấn đề dân sinh này đã trốn ở nhà vì sợ Taliban. Sau khi được Taliban bổ nhiệm, Thị trưởng Gul Mohammad Elias đã triệu tập một số người đến văn phòng mới để thuyết phục họ trở lại làm việc.
"Tôi đã nói rằng lực lượng của chúng tôi không chống lại thành phố, mà chỉ chống lại những kẻ chiếm đóng và đám bao che cho họ", Elias cam kết.
Nhưng khi nhiều văn phòng chính quyền thành phố vẫn hầu như không bóng người trong những ngày sau đó, Elias ngày càng cảm thấy thất vọng và giọng điệu của ông này trở nên quyết liệt hơn.
Elias cử các tay súng Taliban tới từng nhà, tìm kiếm các công chức vắng mặt. Hàng trăm chiến binh dựng các trạm kiểm soát khắp thành phố. Tại lối vào bệnh viện khu vực, một thông báo được dán trên tường nói rõ nhân viên phải trở lại làm việc nếu không muốn bị trừng phạt.
Chỉ một tuần sau khi Kunduz sụp đổ, Taliban đưa quân tiến vào Kabul, tuyên bố "chiến tranh kết thúc ở Afghanistan". Những gì xảy ra ở Kunduz trong một tuần trước đó được coi là báo hiệu về cách Taliban cai trị những khu vực còn lại của Afghanistan.
"Tôi rất sợ vì không biết điều gì sẽ xảy ra và họ sẽ làm gì", một cư dân giấu tên của Kunduz nói. "Chúng tôi phải mỉm cười với họ vì chúng tôi sợ, chứ không phải vui vẻ".
Ba ngày sau khi Taliban kiểm soát Kunduz, Atiqullah Omarkhil, một công chức thành phố, nhận được cuộc gọi từ Taliban, nói rằng ông phải trở lại văn phòng. Người này cho biết Thị trưởng Kunduz muốn nói chuyện với Omarkhil.
Omarkhil đã về nhà kể từ khi lực lượng chính phủ rút lui và các tay súng Taliban xuất hiện trên đường phố. Không khí bất an bao trùm cả thành phố bị tàn phá sau giao tranh. Omarkhil từng trải qua tình cảnh tương tự hai lần trước đây, khi Taliban chiếm Kunduz trong một thời gian ngắn vào năm 2015 và năm 2016. Cả hai lần, lực lượng này đều bị quân đội chính phủ đẩy lùi với sự hỗ trợ từ các cuộc không kích của Mỹ.
Nhưng lần này, lực lượng chính phủ bảo vệ thành phố đã đầu hàng nhanh chóng. Họ giao nộp vũ khí và phương tiện, dấu hiệu cho thấy Kunduz sẽ không được giải cứu.
Khi Omarkhil tới văn phòng, khu nhà rộng lớn trông như không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến. Tất cả phương tiện của chính phủ, xe tải chở rác và máy tính vẫn y nguyên như lúc ông rời đi, trước khi Taliban kiểm soát thành phố. Dấu hiệu duy nhất cho thấy sự thay đổi là những bức ảnh Tổng thống Ashraf Ghani trên tường nhà đã được thay bằng cờ của Taliban.
Omarkhil cùng 8 viên chức khác của thành phố tham gia cuộc họp với Elias, một chỉ huy của Taliban vừa được bổ nhiệm làm tân Thị trưởng. Là một người đàn ông trẻ tuổi có bộ râu dài, Elias đảm bảo Taliban không nhắm vào các viên chức thành phố và hướng dẫn họ trở lại làm việc, để cải thiện tinh thần mọi người. Elias chia sẻ số điện thoại và đề nghị họ gọi cho ông nếu gặp bất kỳ vấn đề nào với các thành viên của Taliban.
"Chúng tôi đã chiếm được thành phố và giờ có thể đảm bảo với mọi người rằng chúng tôi sẽ cung cấp các dịch vụ cơ bản", Omarkhil nhắc lại nguyên văn lời của Thị trưởng Elias.
Giữa cuộc họp, một chủ cửa hàng tới cầu xin bảo vệ để gặp Thị trưởng. Cửa hàng của ông bị phá hủy trong cuộc tấn công cuối cùng của Taliban vào Kunduz. Ông nói các chủ cửa hàng muốn Taliban đảm bảo họ có thể trở lại chợ để thu gom hàng hóa còn lại vì lo sợ bị cướp phá, theo Omarkhil.
Thị trưởng Elias đã đồng ý và thậm chí hứa trả tiền taxi và xe buýt cho họ di chuyển hàng hóa.
Trong thời gian còn lại của ngày, Elias gặp các lãnh đạo khác của thành phố nhằm cố gắng khôi phục các dịch vụ thiết yếu.
Tại công ty quản lý nước sinh hoạt và nước thải của nhà nước, Elias yêu cầu khôi phục nguồn cung cấp nước cho người dân. Khi một người quản lý nói rằng cần sửa chữa đường điện trước, Thị trưởng lập tức yêu cầu giám đốc Sở Điện lực buộc nhân viên trở lại làm việc.
Tại Sở Y tế, tân giám đốc Taliban cũng đưa ra thông điệp tương tự cho nhân viên bệnh viện. Lực lượng Taliban mang nước cho nhân viên y tế và cấp 500 afghani (khoảng 6 USD) cho mỗi bảo vệ bệnh viện để ăn tối.
Tình hình ở Kunduz đã có những tiến triển. Rác trên đường phố bắt đầu được dọn dẹp và đường điện cũng được sửa chữa. Nhưng cuộc sống bình thường trở lại kèm theo cảm giác bất an.
Gần như mọi cửa hàng ở Kunduz đã đóng cửa. Các chủ cửa hàng đem hàng hóa về nhà vì sợ bị Taliban cướp bóc. Mỗi buổi chiều, đường phố cũng vắng người dân qua lại vì sợ bị không kích khi máy bay chính phủ lượn vè vè trên bầu trời. Khoảng 500 tay súng Taliban đóng xung quanh thành phố, kiểm soát gần như mọi góc phố.
"Mọi người đều sợ hãi. Không ai thấy vui vẻ. Nếu ai đó nói rằng người dân đang hạnh phúc, đó là nói dối. Mọi người đều tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với tương lai của chúng tôi?", một công chức nói.
Tới cuối tuần qua, nỗi sợ hãi của nhiều người dân đã trở thành hiện thực. Tại bệnh viện khu vực, Taliban thu một danh sách nhân viên, gồm số điện thoại và địa chỉ nhà, rồi gọi cho từng người để yêu cầu trở lại làm việc, theo một nhân viên y tế giấu tên.
Một nhân viên y tế đã chạy tới Kabul cũng nhận được cuộc gọi tương tự. Anh ta phải bắt xe buýt trở về Kunduz ngay trong đêm và đi thẳng tới bệnh viện.
"Họ mang vũ khí ở trong và ngoài sân bệnh viện. Ngay cả những thành viên Taliban bị ốm nhập viện cũng mang theo vũ khí", một nhân viên y tế kể.
Tại tòa nhà thành phố, Elias đã triệu tập một cuộc họp khác với công chức thành phố, nhưng lần này có thêm lực lượng vũ trang bên cạnh. Những người quản lý báo chí và nữ viên chức được yêu cầu ở nhà. Thị trưởng mới tuyên bố cấm bán đồ uống có cồn và thịt gà đông lạnh. Chế độ cai trị nghiêm ngặt của Taliban dường như đã trở lại.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)