Chục năm trước, anh trai tôi dồn tiền xây hẳn ngôi nhà ba tầng vừa để ở, vừa để kinh doanh phòng trọ. Tầng trệt, anh xem như một hầm nổi để chứa xe máy, ôtô. Gia đình anh ở tầng một. Tầng hai và tầng ba ngăn ra lần lượt mỗi tầng ba phòng, tổng cộng anh có sáu phòng trọ để cho thuê.
Do nhà nằm ở gần các trường đại học và công sở, khách hàng anh hướng tới cho thuê là sinh viên và nhân viên văn phòng. Anh khá dễ tính, không làm dễ làm khó người thuê là các em sinh viên bao giờ.
Tiền phòng mỗi tháng nếu cộng thêm điện nước rất rẻ. Duy chỉ có điều khiến anh trăn trở nhất là chỗ để xe máy nên anh giới hạn mỗi phòng chỉ được ở ghép hai người.
Vậy mà khi khách thuê lắp đầy các phòng thì tôi thấy anh hầu như luôn vò đầu bứt tai để sắp xếp chỗ để xe. Xe nhà ai hai chiếc, xe của khách thuê phòng gần hai mươi chiếc.
Chúng lấp đầy không gian tầng trệt làm chỗ để xe đó. Mỗi tối anh phải chịu khó sắp xếp sao cho mỗi buổi sáng, ai đi học, đi làm sớm thì có thể dễ dàng lấy xe ra ngay mà không bị vướng bận. Vốn tính cẩn thận, anh còn lắp thêm hệ thống báo cháy dưới nhà xe để an tâm, phòng cháy nổ.
>> Hà Nội cấm xe máy - 'đau đớn' cũng phải làm
Vậy là chục năm qua, thế hệ sinh viên này đến ở rồi đi nhưng người đến thì luôn kèm theo một chiếc xe máy. Hiếm lắm mới có sinh viên thuê mà không có xe. Đó là những tân sinh viên mới nhập học. Phần do chưa quen đường xá, chưa có bằng lái hoặc bố mẹ chưa xoay ra tiền để mua xe cho con.
Nhưng kiểu gì vài tháng sau cũng thấy em sinh viên này đem xe cũ từ nhà lên hoặc chạy về một chiếc xe máy mới toanh. Nhân viên văn phòng thì khỏi nói, ai cũng một chiếc xe vì nó là đôi chân đi lại ở thành phố này.
Mấy năm trước, tôi dắt anh họ dưới quê dẫn con lên thành phố làm thủ tục nhập học đại học. Ngày đi nhập học mà thằng bé trông chẳng vui vẻ chút nào vì tuần trước đó, chiếc Wave alpha cũ của anh họ tôi chẳng may bị trộm lấy mất trong lúc đi thăm vườn.
Anh chép miệng than: "Lẽ ra tính giao cho thằng con chiếc xe cũ đó dùng để chạy vòng vòng trên phố, tui thủ sẵn hai mấy triệu mua xe mới để đi lại dưới quê cho đỡ hao nhưng ngờ đâu bị trộm mất, giờ đành cho nó đi học bằng xe buýt năm đầu, năm nay ráng kiếm tiền để sang năm mua cho nó chiếc mới để đi lại cho bằng người ta".
>> Người Hà Nội 'đi bộ 500 m, xe đạp 1 km, buýt BRT 3 km'
Vấn đề xe máy ở đô thị, cấm hay không cấm tôi không bàn đến vì mọi người nói cũng khá nhiều rồi. Ai thích thì dùng, chừng nào cơ quan quản lý ban hành lệnh chính thức thì phải chấp hành.
Nhưng từ hai câu chuyện trên, nghĩ lại tôi thấy tội cho thanh niên Việt Nam và những người làm bố, mẹ quá. Mỗi năm, Hà Nội và TP HCM đón cả triệu lượt tân sinh viên đến để học đại học hoặc tìm việc làm phổ thông. Trong đó, nếu tính riêng sinh viên thì cũng phải vài trăm nghìn người. Hầu như ai cũng kéo thêm một chiếc xe máy lên phố, ngoài việc hạ tầng giao thông không đáp ứng đủ thì tiền bạc bỏ ra để mua chiếc xe máy "cho có cái đi lại" cũng là một gánh nặng kinh tế thật sự.
Một chiếc xe máy số giá rẻ nhất bây giờ cũng đã gần hai mươi triệu đồng, ấy là mua xe mới. Nếu dùng lại xe cũ ở quê thì cũng tương tự, do bố mẹ cũng bỏ tiền mua chứ đâu phải trên trời rơi xuống? Số tiền này cũng không phải nhỏ. Nhà giàu thì mua xe sang hơn cho con đi, đường nào cũng phải tốn tiền cho chiếc xe máy. Với thanh niên đi làm rồi cũng vậy. Tích cóp lương, thưởng, dành dụm cả năm trời cũng để đổi hoặc mua chiếc xe máy "sao cho coi được".
>> Cấm xe máy có bất tiện như ta vẫn nghĩ?
Tốn hàng chục triệu phí đầu tư ban đầu đó, nhưng hàng tuần, hàng tháng cũng phải tốn thêm tiền xăng, dầu nhớt, bảo dưỡng. Tất cả chỉ nhằm mục đích đi lại nhưng rất mang tính cá nhân.
Lẽ ra, nếu như đầu tư công cho xe buýt không bị "ngủ quên" mấy chục năm nay các tuyến metro, tàu điện đô thị được quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ xây dựng sớm hơn thì hệ thống giao thông công cộng đã được đồng bộ và phát triển hơn bây giờ thì câu chuyện di chuyển, đi học, đi làm ở các đô thị đã được giải quyết tốt hơn. Khi phương tiện công cộng trở thành chủ lực thì không còn ai lăn tăn hay nghĩ ngợi gì đến việc sở hữu cho mình một chiếc xe máy nữa.
Số tiền mua ban đầu hoặc nâng cấp xe máy từ số lên tay ga sẽ được dùng để đầu tư cho giáo dục, cho việc phát triển bản thân của thanh niên Việt hơn. Mấy chục triệu này cũng đủ để đi học tiếng Anh, kỹ năng mềm... hoặc có một chút ít vốn để tập tành đầu tư tài chính cá nhân. Điều này tốt hơn nhiều so với việc mới vào đời, đã phải tốn tiền mua xe để phục vụ việc đi lại.
Lê Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.