Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo ở Hà Tĩnh, nơi người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. Những năm tháng tuổi thơ tôi gắn liền với lũy tre làng, cái nghèo cứ bám lấy quanh năm.
Những năm 2000, nhà tôi có tám miệng ăn, cả gia đình chỉ có một mẫu ruộng. Cha mẹ tôi dành một sào trồng khoai lang để lấy rau nuôi lợn, còn bao nhiêu trồng lúa nước. Mọi công tác gieo trồng, ủ giống, đều có kế hoạch từ trên Huyện triển khai về, đến ngày mọi người trong làng nghe thông báo trên loa phát thanh để ra đồng làm đất nhằm phục vụ gieo trồng cho đúng vụ mùa.
Ở một vùng quê mà mùa nắng thì nắng như thiêu như đốt, những trận gió Lào thổi khô chết hết cây cối, mùa mưa thì nước ngập mênh mông ruộng đồng, nước vào đến tận sàn nhà, cuộc sống cứ thế thấm thoát trôi đi ngày qua ngày. Nhà tôi chỉ có một cái xe đạp cũ của người bạn ở trên thành phố cho cha.
Ngày đó, trời nắng, tôi cắt lá chuối che lên đầu để đi học, mưa nhỏ thì cắt cái ruột bao phân bón làm áo mưa, cứ thế sách vở chị học lên lớp lại để lại cho em. Bữa ăn của chúng tôi chủ yếu là cơm với rau muống muối, cà muối, lâu lâu nhà có công chuyện thì được bữa mặn. Mùa mưa bão, tôi còn đi cắt cây măng về luộc lên rồi xào ăn với cơm.
Năm tháng cứ thế trôi, chúng tôi lớn lên và khi đủ lông đủ cánh, những thanh niên trụ cột trong làng đều tìm đường đi vào Nam tìm việc rồi lập nghiệp trên thành phố. Giờ đây, phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới được khởi xướng khắp các tỉnh thành trong cả nước, và xã tôi cũng không là ngoại lệ. Vừa rồi, tôi được người anh họ ở quê thông báo: "Thôn ta vừa được khen thưởng vì về đích Nông thôn mới đúng tiến độ".
Tôi vừa mừng, cũng vừa ngạc nhiên, không biết quê hương mình có thực sự đổi mới không? Bên ngoài có thể thay đổi, nhưng bản chất đời sống vật chất của người dân ở quê có thay đổi lên nhiều không? Đường sá được bê tông hóa, có đèn chiếu sáng ngoài đường, hai bên vỉa hè được trồng hoa rất đẹp, nhưng bù lại những lũy tre làng giờ đây không còn nữa, bóng mát những buổi trưa hè cũng biến mất.
Chỉ có một thứ không đổi, đó là cảnh thanh niên trai tráng vẫn bỏ xứ mà đi. Dù giờ người ta không phải ăn rau muối như 20 năm trước, nhưng thu nhập ở quê vẫn chỉ dựa vào mấy sào ruộng ngoài đồng là chính, khó mà hy vọng đời sống của người dân khấm khá lên nhiều.
Tết vừa rồi, em trai tôi về quê ăn Tết, phải chạy xe lên tận thành phố cách đó 15 km để mua một cây tre với giá 150.000 đồng để về làm cây nêu ngày Tết. Dù trước đó, quê tôi vốn là thủ phủ của tre, năm nào cũng có người đến mua tre về sản xuất.
Bộ mặt nông thôn thay đổi là vậy, nhưng thực tế bên trong những làng quê đổi mới, có những người dân vẫn nghèo. Kinh tế gia đình thì vẫn phụ thuộc vào mấy sào lúa, nhưng mùa màng có năng suất hay không lại giao phó cho thiên nhiên điều tiết.
Có phải nông thôn mới như một bông hoa sen cực đẹp nổi trên mặt hồ, nhưng bên dưới, cái để duy trì sự sống cho nó vẫn là bùn và nước? Và đến khi nào, người trẻ quê tôi mới có thể tự tin làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, không còn phải bỏ xứ mà đi như chúng tôi hôm nay?
Bach Phan
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.