Do nhiều yếu tố khác nhau, các tài sản như cổ phiếu, tiền số, bất động sản chịu áp lực bán tháo và giảm giá.
Tôi nay 40 tuổi, làm công ăn lương và tiền dư ra thì để dành đầu tư cổ phiếu (chiếm tỷ trọng nhỏ) và bất động sản (chiếm phần lớn với đất nền và bất động sản cho thuê), với tổng giá trị gần một triệu USD.
Quan điểm của hai vợ chồng tôi là đầu tư để dành lâu dài 2-5 năm, chọn mã chứng khoán hoặc BĐS tiềm năng (có nhiều dân cư hiện hữu, gần khu công nghiệp), không chạy theo đám đông hoặc lướt trading ngắn hạn vì thời gian chúng tôi không nhiều để nghiên cứu hàng ngày, và có lẽ nhảy nhót cũng không phải là điểm mạnh
Cuối tháng 3/2022, chỉ số VN-Index giao dịch đi ngang với khối lượng giảm sút, tôi đã bàn với vợ thanh lý danh mục cổ phiếu khi chỉ số VNI trong khoảng 152x, để chuyển sang tiền mặt và đầu tư BĐS.
>> Thuê căn nhà 'nát' để có 22 phòng trọ
Đến thời điểm giữa tháng 5/2022, soi lại danh mục CP cũ (nếu còn giữ lại) thì NAV (giá trị tài sản ròng CP) đã bốc hơi ~40%. Vài cổ phiếu đã thiết lập mặt bằng khá thấp mà ngay cả tôi tôi cũng không thể ngờ tới. Giá trị giao dịch hàng ngày của thị trường CK cũng khá là thấp (so với giai đoạn 2021), và tôi dự đoán là dòng tiền chủ yếu đứng ngoài quan sát hoặc chuyển sang kênh đầu tư khác.
Bạn tôi làm cho một công ty CK cũng thừa nhận giai đoạn sau Tết 2022, các nhà đầu tư chuyển khẩu vị, rút tiền khá nhiều (chốt lời) để chuyển sang BĐS hoặc gửi tiết kiệm.
Trong tháng 5/2022, tôi tiến hành thanh lý hai nền đất (một trong khu dân cư và một gần khu công nghiệp), thu về khoảng năm tỷ đồng (lợi nhuận ~40% so với vốn đầu tư, thời gian đầu tư trong hai năm) và dự kiến sẽ gửi tiết kiệm ngân hàng.
Lý do đưa ra là thị trường có những dấu hiệu tương tự như giai đoạn khủng hoảng 2008-2009, phải kể đến như:
- Lãi suất ngân hàng bắt đầu tăng dần và hạn chế khách hàng cho vay đầu tư BĐS (ngoại trừ nhân viên nhà băng được hạn mức vay). Có thể lãi suất cho vay chưa thiết lập mặt bằng cao như giai đoạn trước (hiện tại là 8-12%/năm so với trước kia 15-20%/năm), nhưng cũng là dấu hiệu của việc bắt đầu khóa van tín dụng cho BĐS.
- Việc phân lô đất nông nghiệp (là động lực chính của dân đầu tư BĐS giai đoạn vừa qua) đang bị siết chặt, việc chuyển nhượng hai giá (dẫn tới hồ sơ bị ùn ứ khá nhiều ở các văn phòng một cửa, Phòng Tài nguyên và đất đai) cũng bị kiểm soát.
>> Bẫy quảng cáo đất Thảo Điền '2,7 tỷ đồng lô 80 m2 duy nhất'
- Các vụ lừa đảo và các vụ án nhà nước xử lý liên quan đến BĐS gần đây tăng rất nhanh, chứng tỏ thị trường đã nóng sốt bất thường. Khi nhà nhà người người đều bàn tán đến đất đai, có nghĩa là thị trường rơi vào trạng thái quá mua (overbuy).
Khi giá BĐS tăng nóng (phần lớn là dân đầu cơ) mà động lực duy trì thị trường (tiền vay nhà băng, và tiền dư dôi từ nền kinh tế phát triển) suy giảm, thường dẫn tới thị trường bị hổng ở gốc.
Điều này có thể thấy là trên thị trường, giá rao bán tăng nhưng giá trị giao dịch giảm sút thời gian tới, tôi sẽ thanh lý tiếp một nền đất (đã lỡ mua đầu năm) và chỉ duy trì một BĐS cho thuê (mang lại nguồn thu ổn định).
Theo nhìn nhận của tôi, thị trường sẽ còn một vài nơi sẽ có tiềm năng do có đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc mở khu công nghiệp. Nhưng một khi thị trường chuyển sang đóng băng (hoặc bán ra ồ ạt dù BĐS đó có tiềm năng hay không) thì thị trường sẽ cần rất nhiều thời gian để hồi phục và nhà đầu tư sẽ bị chôn vốn khá lâu.
Lãi tiền gửi thấp như hiện tại không mang lại lợi nhuận bao nhiêu, nhưng bảo tồn thành quả đầu tư thời gian rồi của mình là mục tiêu ưu tiên trong tình hình hiện tại.
Minh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.