- Đầu tháng 12, anh cùng các đồng nghiệp tham gia lễ tưởng niệm 16 nghệ sĩ qua đời vì đại dịch, trong anh đọng lại suy nghĩ, cảm xúc gì?
- Trong 16 người qua đời vì Covid-19 có người thân của tôi là nghệ sĩ Bạch Mai, Kim Phượng... Khi dịch mới bùng phát, nghe tin có đồng nghiệp nào đó qua đời, tôi hoang mang, lo lắng và luôn cầu nguyện cho họ được yên nghỉ. Bây giờ, tôi bình tĩnh hơn, nghe ai bị dương tính, tôi động viên "Thôi ráng khỏe nha cưng". Tôi mong dịch qua đi để bản thân không còn rơi vào trạng thái cảm xúc không mong muốn.
- Anh vượt qua giai đoạn khó khăn ra sao?
- Dịch ảnh hưởng lớn đến kinh tế của tôi và các diễn viên sân khấu Idecaf bởi nguồn sống của chúng tôi chủ yếu dựa vào suất diễn. Sân khấu đóng cửa thu nhập trở về số không. Tôi sống bằng tiền tích lũy lúc đóng phim, tài khoản âm dần, còn tiền lãi ngân hàng phải trả hàng tháng vì vay mua xe hơi, dùng thẻ tín dụng. Ngoài ra, tôi còn chi tiêu các khoản cho người thân và xem đó là nghĩa vụ. Tôi đau đầu tìm cách chạy vạy, giải quyết chuyện nợ nần.
Thời gian ở nhà tránh dịch, tôi sống tiết kiệm cũng như nhận được nguồn hỗ trợ lương thực, thực phẩm từ hội đoàn, bạn bè. Khi TP HCM hết giãn cách, tôi mừng khi có được vài hợp đồng quảng cáo sản phẩm và ổn định thu nhập trở lại. Dù vậy, tôi nhắc nhở bản thân phải cẩn thận khi hòa nhập cuộc sống bình thường mới, tuân thủ đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. Bởi, sau khi tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ hai, tôi chịu tác dụng phụ, cánh tay trái bị đông cứng khớp vai. Mỗi ngày, tôi đi tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Tôi lo điều này ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp, không còn tốt như xưa.
- Ở tuổi 60, anh quan tâm đến vấn đề sức khỏe như thế nào?
- Tôi giữ chế độ ăn uống chừng mực vì độ tuổi này dễ bị bệnh béo phì, ảnh hưởng đến huyết áp, tim mạch lẫn sự linh hoạt trong diễn xuất. Năm nay, tôi đúng 60 tuổi và vui vì vẫn đóng được vai thanh niên. Tôi tiếp xúc với son phấn hàng ngày nên tuần nào cũng đi chăm sóc da để hạn chế lão hóa. Nhiều người khen tôi trẻ hơn tuổi tôi thấy không có gì bất ngờ vì tôi luôn tuân theo một chế độ ăn uống, chăm sóc cơ thể trong nhiều năm. Ngoài ra, tôi giữ được sự thanh xuân trong diễn xuất, đó là nét tươi mới, sáng tạo.
Lúc trước, tôi mắc nhiều bệnh lắm. Tôi từng bị đau dạ dày nặng, nổi gai cột sống và ở các khớp, tưởng chừng không thể hoạt động nghề. Có những cái gai mọc ở vị trí nguy hiểm phía trước cổ, sát dây thanh đới. Mỗi lần diễn và nói, hai dây thanh đới căng ra, không may chạm vào gai, tôi sẽ bị xuất huyết. Tôi lạc quan và coi bệnh tật là sự thử thách của thượng đế. Tôi nhớ đến câu nói của nhân vật Hamlet trong tác phẩm kịch cùng tên của văn hào William Shakespeare: "Tồn tại hay không tồn tại". Sau hơn một tháng chịu đau đớn chữa bệnh, tôi đi chụp CT thấy không còn chiếc gai nào trong cơ thể và ôm bác sĩ khóc. Sau đợt bệnh đó, tôi rất trân quý bản thân, dù có ở một mình tôi cũng không bao giờ lười chăm lo bữa ăn, giấc ngủ.
- Anh đối diện với nỗi cô đơn ra sao?
- Lúc 35 tuổi, tôi có thể còn quằn quại khi cô đơn. Nhưng bây giờ tôi đã quen và thích sống một mình. Tôi thường từ chối khi bạn bè rủ đến thăm nhà vì không muốn phá hủy không gian yên tĩnh của mình. Thay vào đó, tôi đề nghị gặp mọi người ở quán cà phê hoặc quán trà trò chuyện. Lúc ba mẹ tôi còn sống, tôi cũng chỉ muốn ở trong phòng riêng. Tôi nghĩ là cô đơn là "bệnh trời cho", ngay cả người có vợ chồng, con cái chưa chắc không cô đơn (cười).
Tôi có một thói quen là uống trà chiều tại một quán nằm ngay trung tâm Sài Gòn nhìn ngắm dòng người qua lại, chiêm nghiệm về cuộc sống. Đôi khi, tôi phát hiện ra những nét đời thực dễ thương, thú vị. Giữa dòng người kẹt xe, va chạm nhau, gây lộn ì xèo, ở một góc khác có cặp du khách tóc bạc phơ nắm tay qua đường. Cụ ông ra sức bảo vệ cụ bà, đang đi vẫn quay sang hôn bạn đời. Những hình ảnh ấy là chất liệu để tôi sáng tạo trong công việc, làm giàu đời sống tinh thần của tôi.
- Nghệ sĩ không thể sống thiếu tình yêu, còn anh thì sao?
- Tôi yêu nhiều lắm và cảm ơn những người đã đi qua cuộc đời tôi. Có lần tôi đi xem tử vi, họ nói "Nếu Thành Lộc không yêu thì thôi, còn đã yêu sẽ như một chàng trai 18, đôi mươi". Đúng thật, tôi yêu cuồng nhiệt và thường tỏ tình trước vì sợ người ta không biết tình cảm của mình. Hầu hết mối tình của tôi là đơn phương. Đôi khi, người ta ngại từ chối và để mối quan hệ cả hai lơ lửng, tôi đu theo để rồi phát hiện ra chỉ là ngộ nhận.
Trong số các cuộc tình, có một câu chuyện vui và thật. Sau vài cuộc hẹn hò, tôi đặt câu hỏi cho người kia: "Hình như em coi anh như một bến đỗ, tạm dừng chân phải không?". Họ trả lời bằng cái gật đầu và tôi khóc như mưa khi trở về nhà. Khi vượt qua sự đau khổ, tôi thấy thanh thản vì ít ra bản thân có được sự nhạy bén trong chuyện tình cảm.
Tình yêu kích thích sự rung động của người nghệ sĩ. Coi phim tình cảm, tôi rớt được nước mắt là mừng lắm. Đôi khi những nghệ sĩ lão luyện xem cảnh đó sẽ nói thường thôi vì họ cũng diễn được. Tôi thấy hạnh phúc vì đang yêu và có những người bạn tâm giao, làm ở nhiều ngành nghề khác nhau. Chúng tôi học hỏi lẫn nhau hoàn thiện bản thân. Tôi có đồng nghiệp thân nhưng không phải tâm giao. Họ hay nói đùa Thành Lộc đang sống ngoài vòng showbiz. Mỗi lần đi đám cưới, đám tang tôi mới biết trong giới có chuyện này, kia qua lời kể của bạn bè.
- Niềm đam mê nghệ thuật được anh truyền lại cho đàn em, giới trẻ ra sao?
- Tôi chưa bao giờ giấu nghề, ai hỏi thì tôi chia sẻ. Tôi không mở lớp dạy diễn xuất vì chỉ tốt nghiệp lớp diễn viên trung cấp. Tuy nhiên, tôi luôn tham gia vào các buổi nói chuyện về kinh nghiệm nghề nghiệp. Tôi nghĩ một người sinh ra có tài năng nghệ thuật là được thượng đế trao sứ mạng làm đẹp cho đời. Đó không đơn thuần là "cần câu cơm", phô trương tài năng trước mọi người. Những người làm nghề thường nói với nhau: "Yêu nghệ thuật trong mình chứ không phải yêu mình trong nghệ thuật".
Thật sự, tôi háo hức chờ ngày quay lại diễn, thấy ánh đèn sân khấu, nghe tiếng cười, tiếng khán giả vỗ tay, những câu thoại tung hứng với mọi người trên sàn diễn. Tôi và ban lãnh đạo Idecaf đang lên kế hoạch dựng vở mới phục vụ người xem dịp Tết Nhâm Dần. 2022 là dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Đình Chiểu và 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tôi nghĩ việc phục dựng vở Tiên Nga với vài suất diễn đặc biệt là cần thiết.
Hoàng Dung