Giữa tháng 7, vở Cậu Đồng tạo cơn "sốt" khi tái diễn tại sân khấu Idecaf. Hai suất đêm 9 và 16/7 - mỗi suất 330 chỗ ngồi - đều "cháy" vé trước hàng tháng. Tác phẩm được đạo diễn Trần Minh Ngọc Việt hóa từ vở Tartuffe (Đạo đức giả) của văn hào Pháp Molière, xoáy vào thói cuồng tín, trong xã hội xưa lẫn nay, làm xuất hiện những kẻ nhân danh tôn giáo trục lợi cá nhân.
Cậu Đồng có kịch bản đơn giản, ít tình tiết cao trào. Vở lấy bối cảnh tại nhà ông Phán (nghệ sĩ Hữu Châu) - một gia đình Nam Trung bộ những năm đầu thế kỷ 20. Thành Lộc đóng vai một nhà tu hành được ông Phán đưa về tôn làm thánh nhân, bất chấp vợ con ngăn cản. Đỉnh điểm của sự mê muội là khi ông Phán hủy bỏ hôn ước của con gái, ép gả cô cho "Cậu". Các thành viên trong gia đình quyết tâm vạch mặt gã thầy đồng.
Giữ vai chính, Thành Lộc là nam châm tạo sức hút xuyên suốt tác phẩm. Nét duyên của nghệ sĩ thể hiện cả khi anh chưa lộ diện hoặc cất giọng thoại. Ở cảnh mở màn, khán giả bị cuốn theo từng chuyển động của Thành Lộc khi anh vừa đeo mặt nạ vừa múa bóng rỗi. Trên nền nhạc hầu đồng, nghệ sĩ dẫn dắt người xem vào một không gian đậm chất tín ngưỡng của văn hóa dân gian. Đó là nét phác thảo sơ lược về Cậu Đồng trước chân tướng của gã dần bộc lộ.
Tiếng cười trong khán phòng nổ ra khi Thành Lộc tháo mặt nạ. Mái tóc "bổ luống", môi tô son đỏ, mặt phấn trắng nhợt, nhân vật khoác áo dài gấm vàng cùng chuỗi ngọc. Khi đi đứng, đối đáp với con Sen (Hương Giang đóng) - người ở trong nhà, nhân vật toát lên vẻ đồng bóng, trịch thượng. Khi ngồi trong gian phòng riêng với bà Phán (Hoàng Trinh đóng), gã từ điệu bộ đạo mạo, mực thước bỗng lộ rõ tính dâm ô, quỷ quyệt.
Thành Lộc liên tục biến hóa trong phong cách diễn hài hình thể lẫn hài thoại. Hơn tám năm hóa thân thành Cậu Đồng, nghệ sĩ thuộc lòng từng chuyển biến, cử chỉ của nhân vật trên sân khấu. Mọi động tác của anh dường như được tính toán chuẩn xác, vừa vặn. Người xem cười rúc rích khi những ngón tay của Cậu Đồng nhích dần về phía chỗ bà Phán ngồi, xoa đầu gối bà với giọng đùa cợt nhả. Lối chơi chữ trong lời thoại cũng được nghệ sĩ tung hứng, nhấn nhá khi lên, xuống giọng, chẳng hạn: "Tôi luôn coi thân thể bà, à, thân bà hơn thể thân tôi", "Từ lâu tôi muốn tỏ tình, à không, tỏ tường với bà chuyện trong nhà"...
Đỉnh cao trong lối diễn "lên đồng" của Thành Lộc là phân đoạn Cậu Đồng giả vờ bị "Linh Ông" nhập vào người. Khi tiếng nhạc nổi lên, nghệ sĩ bước quanh sân khấu theo lối múa bộ. Ở tuổi 59, Thành Lộc vẫn cuốn hút người xem trong những màn nhảy múa đòi hỏi thể lực tốt. Là con nhà nòi, anh thành thục từng động tác trong cải lương tuồng cổ và áp dụng vào kịch nói. Pha đối đáp giữa Cậu Đồng với ông Phán trong cảnh nhập hồn trở thành điểm nhấn của vở với sự phối hợp diễn ăn ý giữa Thành Lộc - Hữu Châu.
Tài ứng biến của Thành Lộc là một trong những yếu tố chinh phục khán giả. Có lúc, anh trêu bạn diễn Hữu Châu nhái giọng "không đúng tông", hay chọc anh trai - nghệ sĩ Bạch Long (vai ông Hai Hoành) khi sắp sửa tung miếng hài. Ở một cảnh, vấp ngã trên sân khấu, anh nhanh chóng ứng khẩu, quay sang vái lạy "Linh Ông" vì bị trừng phạt do ăn nói linh tinh. Sự ngẫu hứng trong lối diễn của Thành Lộc giúp mỗi suất diễn đều mang những nét thú vị riêng, từ đó thu hút người xem trở lại sân khấu lần hai, lần ba.
Dồn "đất diễn" cho Thành Lộc, những diễn viên còn lại của vở đều ở mức tròn vai. Vai ông Phán của Hữu Châu đại diện cho những kẻ giàu có, chức quyền trong xã hội xưa song u mê bởi dị đoan, từ đó bị trói buộc bởi lễ giáo. Nhân vật con Sen của Hương Giang tạo thiện cảm với một số câu thoại gây cười ở đầu vở.
Tác phẩm được tiết chế về bối cảnh: chỉ một gian phòng làm lễ từ đầu đến cuối vở. Lối dựng tinh giản này vừa giúp vở kịch rút gọn thời gian chuyển cảnh, vừa cài cắm ý tưởng: những tấn trò đời, cú lật mặt được phơi bày ra trước sự chứng kiến của "Linh Ông", "Linh Bà". Phông nền của vở chỉ xoay quanh các đạo cụ như bàn thờ, lọng che... nhưng vẫn đảm bảo tính mỹ thuật.
Khán giả Quang Huy (quận 1) đánh giá cao lối dàn dựng đơn giản song vẫn giữ được tiết tấu sôi nổi của tác phẩm. Từng xem Thành Lộc hóa thân Cám trong vở Tấm Cám, anh ngưỡng mộ nghệ sĩ ở lối diễn nhiều màu sắc, năng lượng nhờ vào bề dày trải nghiệm. Anh nói: "Điều tôi thích ở anh Thành Lộc là kỹ thuật biểu diễn hình thể trong thoại lẫn các phân đoạn múa, toát lên nét ma mãnh, lươn lẹo và đồng bóng của nhân vật".
Tác phẩm Cậu Đồng mở màn cho kế hoạch tái dựng loạt vở vang bóng một thời của Idecaf, như Cái tráp vàng, Con Tám - con Cấm... Theo ông "bầu" Huỳnh Anh Tuấn, hiện sân khấu kịch TP HCM thiếu hụt kịch bản, việc mang các tác phẩm kinh điển trở lại nhằm góp phần bù khoảng trống đó. Các vở được chọn đều mang tính xã hội cao, vẫn có thể tạo hiệu ứng lớn với khán giả hiện tại. Ông Tuấn nói: "Hàng chục năm qua, lớp khán giả mới đã hình thành. Đây là cơ hội để công chúng trẻ tiếp xúc với các vở kinh điển".
Mai Nhật