Anh Song Minh - người thân gia đình nghệ sĩ Bạch Mai - cho biết bà nhập viện điều trị Covid-19 tại bệnh viện An Bình. Sau đó, nghệ sĩ có kết quả âm tính với nCoV, tuy vậy, do mắc bệnh nền như suy hô hấp cấp, tiểu đường... sức khỏe bà suy giảm nên không qua khỏi... Sáng 26/8, linh cữu nghệ sĩ được hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Từ cuối tháng 7, tinh thần Bạch Mai xuống dốc vì hai người em lần lượt qua đời. Em gái bà, nghệ sĩ phục trang Kim Phượng, mất hôm 25/7, sau khi nhiễm nCoV. Ngày 8/8, em trai bà, nhạc sĩ Thanh Châu, mất vì suy hô hấp.
Từ Mỹ, ca sĩ Quang Thành - người thân thiết với thành viên đoàn cải lương Huỳnh Long - cho biết, hai ngày trước, khi gọi điện về nước, anh còn được nghệ sĩ Bạch Nga cho biết nghệ sĩ Bạch Mai vẫn chống chọi với Covid-19, gia đình hy vọng bà vượt bạo bệnh. Anh nói: "Dự cảm tin buồn nhưng tôi vẫn bàng hoàng. Bà là nghệ nhân tuồng cổ lẫy lừng, vừa là tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ vừa là thầy dạy nhiều thế hệ nghệ sĩ như Chí Linh, Vân Hà, Ngọc Huyền, Thanh Thanh Tâm... Tôi cũng thọ giáo bà mỗi lần tham gia các vở cải lương và được bà chỉ dạy tận tình".
Nhiều đồng nghiệp bày tỏ thương tiếc trước tin buồn. Phương Hồng Thủy viết trên trang cá nhân: "...Người nghệ sĩ có đôi mắt to tròn thiệt đẹp mà em ngưỡng mộ từ hồi còn xem tivi trắng đen thập niên 1970. Kính tiễn biệt chị nghệ sĩ Bạch Mai". Đạo diễn Thanh Hiệp cho biết: "Nghệ sĩ Bạch Mai đã truyền nghề cho thế hệ nghệ sĩ trẻ gắn bó đoàn Huỳnh Long. Có lẽ đến hai phần ba nghệ sĩ đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang từng học kinh nghiệm diễn xuất tuồng cổ từ bà và biểu diễn các tác phẩm của bà".
Bạch Mai sinh năm 1948 trong gia đình có truyền thống cải lương, tên thật là Nguyễn Ngọc Mai. Thuở mới vào nghề, bà theo học nữ nghệ sĩ Năm Thài, đào chính của gánh hát Chánh Thành. Từ năm 13 tuổi, bà bắt đầu biểu diễn những vai đào con, đến 15 tuổi thì hát chính. Bà được khán giả yêu mến qua hàng trăm vai diễn, điển hình như Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Lá chắn biên thùy, Tấm Cám, Đường về núi Lam, Người đẹp trong tranh... Bà thường hát cặp với nghệ sĩ Đức Lợi, sau đó nên duyên vợ chồng với ông.
Bà góp công xây dựng đoàn cải lương Huỳnh Long - bệ đỡ của nhiều nghệ sĩ tuồng cổ. Bạch Mai không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc mà còn là soạn giả nhiều vở nổi tiếng như Xử án Phi Giao, Giang sơn mỹ nhân, Ngọc Kỳ Lân, Thập tứ nữ anh hào, Ngũ biến báo phu cừu, Mặt trời đêm thế kỷ, Trưng Nữ Vương, Mai trắng se duyên....
Những năm cuối đời, bà ít biểu diễn, nhưng dành tâm sức hỗ trợ con gái - nghệ sĩ Bình Tinh - gây dựng lại đoàn cải lương Huỳnh Long. Bà vừa làm đạo diễn, cố vấn nghệ thuật, vừa hỗ trợ Bình Tinh đào tạo thế hệ trẻ. Ê-kíp của Huỳnh Long thế hệ mới đã tái diễn nhiều buổi phục vụ khán giả. Đầu năm nay, khi không thể đi biểu diễn vì dịch, Bình Tinh làm đạo diễn, ra mắt video cải lương Cô gái Đồ Long, Giang Sơn Mỹ Nhân do mẹ soạn. Nghệ sĩ Bạch Mai có một người con khác cũng theo nghề mẹ là Chinh Nhân, anh qua đời năm 2016 do bệnh hiểm nghèo.
Hà Thu