Dịp lễ 30/4 và 1/5, Idecaf diễn lại Tiên Nga. Tác phẩm vừa được Ủy ban Nhân dân TP HCM trao giải nhất hạng mục sân khấu của giải Văn học - Nghệ thuật hồi tháng 4. Trước đó, nhạc kịch này đạt thành công phòng vé với hàng chục nghìn lượt người xem từ khi ra mắt cuối năm 2017.
Kéo dài ba giờ đồng hồ, Tiên Nga kể về cuộc đời và tình yêu giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga - lấy cảm hứng từ truyện thơ Lục Vân Tiên của đại thi hào Nguyễn Đình Chiểu. Tác phẩm đề cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và phẩm chất trung hiếu, tiết nghĩa của người Việt Nam.
Nghệ sĩ Trinh Trinh trong vai Kim Liên. |
So với bản dựng trước, Tiên Nga có một số thay đổi về diễn viên. Nghệ sĩ Quế Trân đảm nhận vai Kiều Nguyệt Nga (thay cho diễn viên Lê Phương đang mang thai lần hai), Lê Khánh trở lại với vai Võ Thể Loan thay cho Vân Trang, còn vai Kim Liên do nghệ sĩ Trinh Trinh đảm nhận. Nỗ lực nhập vai của các nghệ sĩ tạo ấn tượng cho vở diễn.
Thành Lộc thủ vai cụ Đồ Chiểu, xuất hiện ở các phân đoạn chuyển cảnh, giữ vai trò dẫn dắt nội dung, giúp kịch liền mạch và mang đến cảm xúc trọn vẹn hơn cho khán giả. Anh lột tả được sự cương trực, kiên trung của một nhân vật lịch sử.
Đạo diễn khắc họa sâu hơn nhân vật Kim Liên so với bản trước đây. Kim Liên mặc áo cô dâu thay Nguyệt Nga sang giết vua Ô Qua. Việc không thành, nàng hy sinh. Hồn thiêng của nàng vẫn soi đường giúp Vân Tiên và Nguyệt Nga thoát nạn, tương phùng. Trinh Trinh hóa thân trọn vẹn vào nhân vật. Chị thể hiện khí chất anh hùng của Kim Liên qua đài từ mạnh mẽ, phong thái dứt khoát.
Giữa không khí bi hùng của vở diễn, nhân vật Bùi Kiệm của Đình Toàn và Bùi Ông (Bạch Long) mang đến nét châm biếm. Nhân vật này có các câu thoại cải biên, tung hứng, ngụ ý các câu chuyện mang tính thời sự của xã hội đương đại như: chuyện sửa điểm thi ("Có tiền là sửa được hết") hay chuyện quấy rối trong thang máy ("Mỗi lần mày nựng là tao phải đóng 200").
Khâu thiết kế sân khấu, âm nhạc là những yếu tố tạo hiệu ứng tốt cho vở. Nhạc sĩ Đức Trí mang đến một ban hợp xướng sống động. Nhiều ca khúc được viết riêng cho tác phẩm khắc họa nét bi hùng và tâm trạng các nhân vật.
Nghệ sĩ Quế Trân hóa thân thành Kiều Nguyệt Nga. |
Sau đêm diễn, nghệ sĩ Quế Trân chia sẻ làm việc chung với nghệ sĩ Thành Lộc là một điều may mắn với chị. "Tôi đã xem vở nhạc kịch trong lần đầu tiên công diễn năm 2017 và vô cùng yêu thích tác phẩm cũng như nhân vật Kiều Nguyệt Nga. Khi được mời tham gia, tôi cứ ngại hình ảnh một nghệ sĩ cải lương sẽ không phù hợp với thể loại nhạc kịch. Nhưng nhờ sự động viên và chỉ dạy của chú Thành Lộc, tôi tự tin đặt hết tình yêu và sức lực vào nhân vật. Thật xúc động khi sau mỗi đêm diễn khán giả đều đứng lên vỗ tay không dứt cho đến tận khi màn khép lại mới ra về", nữ Nghệ sĩ Ưu tú bày tỏ.
Nhiều khán giả cho biết họ xúc động khi thưởng thức tác phẩm. Có người ở huyện ngoại thành vẫn tranh thủ dịp nghỉ lễ đi xem Tiên Nga. Chị Minh Thy, nhà ở Hóc Môn, cho biết: "Mấy lần trước tôi muốn đi xem nhưng đều không mua được vé. Lần này canh mua vé trên mạng từ một công ty du lịch mới có. Mừng lắm". Còn bạn Thanh Thảo (20 tuổi) chia sẻ đã ba lần xem Tiên Nga vì thấy vở diễn nhân văn, mang nhiều ý nghĩa về tự hào dân tộc.
Nguyên Hoàng