Natreeya Thaweewong, người phát ngôn văn phòng Chính phủ Thái Lan, xác nhận thông tin này trong một cuộc trò chuyện với truyền thông. Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul thông báo về quyết định trên Facebook.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng cho biết sẽ tiêm vaccine AstraZeneca ngày 20/3. Sự kiện được truyền hình trực tiếp. Hiện chưa rõ liệu các thành viên nội các có tiếp tục tiêm vaccine trước truyền thông như trước đó hay không.
Chính phủ không giải thích lý do khiến họ thay đổi quyết định trong ba ngày. Hôm 12/3, nước này trì hoãn kế hoạch tiêm chủng do lo ngại hiện tượng đông máu, thuyên tắc phổi, song vẫn khẳng định vaccine có chất lượng tốt.
AstraZeneca khẳng định không có bằng chứng cho thấy vaccine làm tăng nguy cơ đông máu, nhấn mạnh tỷ lệ thuyên tắc phổi thậm chí thấp hơn mức trung bình toàn dân. Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe Anh, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cũng bác bỏ mối lo ngại này, cho rằng lợi ích sản phẩm vượt trội so với rủi ro.
Vaccine Covid-19 do hãng AstraZeneca hợp tác phát triển với Đại học Oxford đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hoặc lưu hành trên thị trường tại hơn 70 quốc gia, bao gồm cả Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Những ngày qua do lo ngại nguy cơ phản vệ gây đông máu sau tiêm chủng, nhiều nước ngưng tiêm vaccine AstraZeneca. Trong đó, Ireland và Hà Lan là hai nước mới nhất đình chỉ sử dụng. Giới chức Ấn Độ cho biết sẽ đánh giá kỹ hơn về tác dụng phụ sau tiêm chủng. Italy và Áo cấm sử dụng các liều vaccine từ những lô hàng riêng biệt. Tính đến ngày 8/3, châu Âu báo cáo 15 trường hợp đông máu ở chân, 22 ca thuyên tắc phổi.
Thục Linh (Theo RT)