Giáo sư, tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng, cho biết như trên sáng 15/3, bên lề buổi tiêm thử nghiệm giai đoạn một vaccine Covivac.
"Luôn có tỷ lệ nhất định gặp phản ứng sau tiêm. Tỷ lệ này nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan", giáo sư Đức Anh nói.
Theo khuyến cáo của WHO, khoảng 1-10% người được tiêm vaccine Covid-19 xuất hiện "phản ứng phổ biến" gồm sưng và đỏ tại vị trí tiêm; trên 10% có "phản ứng rất phổ biến" gồm đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, ngứa, mệt ỏi, bồn chồn, sốt nhẹ, ớn lạnh, đau và nóng tại vị trí tiêm. Các phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ độ 3, phản ứng quá mẫn muộn sau tiêm, hiện chưa được WHO báo cáo đầy đủ. Phản ứng quá mẫn muộn là phản ứng cơ thể như đỏ và cứng da nhiều giờ sau tiêm, xuất hiện khi dị ứng với vi khuẩn, virus, nấm...
Tại Việt Nam, giáo sư Đức Anh cho biết đến nay Bộ Y tế ghi nhận 11 ca phản ứng nặng sau tiêm vaccine Covid-19, gồm dấu hiệu sốt cao, tăng huyết áp, không có trường hợp nào đông máu. Các trường hợp phản ứng nặng xuất hiện rải rác, trên nhiều đối tượng khác nhau. Họ đã được thăm khám ban đầu trước khi tiêm, không có bệnh nền nghiêm trọng. Tất cả được theo dõi, xử lý kịp thời, sức khỏe ổn định.
Sau 8 ngày triển khai tiêm chủng, hơn 11.000 người đã được tiêm vaccine Covid-19. Như vậy, tại Việt Nam, ước tính tỷ lệ gặp phản ứng nặng sau tiêm là 0,1%.
Bộ Y tế đã thành lập các hội đồng chuyên môn để điều tra nguyên nhân các ca phản vệ nặng này. Bộ cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi, đánh giá về tình trạng phản ứng sau tiêm.
Vaccine Covid-19 mà Việt Nam đang tiêm cho lực lượng ưu tiên, là của hãng dược AstraZenaca. Tính tới ngày 15/3, Việt Nam đã tiêm được trên 11.000 liều vaccine Covid-19, tức khoảng 1/10 lô vaccine nhận được cuối tháng 2 vừa qua. Dự kiến, Việt Nam sẽ tiêm hết 117.000 liều trong tháng 3. Khi hết lô vaccine này, sẽ có thêm 1,4 triệu liều từ Covax, sau đó tháng 4 tiếp nhận thêm 2,5 triệu liều.
Vaccine Covid-19 của Astrazeneca đã được chấp thuận và sử dụng ở hơn 70 quốc gia, trong đó có Anh, Ấn Độ, Indonesia, các nước trong Liên minh châu Âu (EU)... Hãng đã phân phối 30 triệu liều vaccine cho EU trong quý một, đặt mục tiêu cung ứng 100 triệu liều trong nửa đầu năm 2021. Tổ chức Y tế Thế giới cũng phê duyệt khẩn cấp vaccine hôm 16/2.
Do một số lo ngại về các trường hợp phản ứng đông máu và thuyên tắc phổi sau tiêm, mặc dù chưa có kết luận nguyên nhân, nhiều nước châu Âu đã dừng sử dụng vaccine AstraZeneca. Ireland và Hà Lan là hai nước mới nhất có động thái này.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu EMA và nhà sản xuất AstraZeneca, cho rằng không có bằng chứng vaccine gây ra tình trạng này, nhấn mạnh lợi ích của vaccine vượt trội hơn rủi ro.
"Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo Việt Nam nên cân nhắc lợi ích của vaccine và nguy cơ của dịch bệnh, từ đó có biện pháp tốt nhất cho người dân", ông Đức Anh nói.
Cuối tuần trước, Bộ Y tế đánh giá đến nay chưa ghi nhận tình trạng đông máu ở người tiêm vaccine, cũng như vẫn kiểm soát được các ca phản ứng sau tiêm. Do đó, Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai tiêm vaccine Covid-19, theo nguyên tắc "tiêm đến đâu, kiểm soát an toàn đến đấy".
Theo giáo sư Đức Anh, Việt Nam vừa tiêm chủng, vừa theo dõi tình hình tại các quốc gia khác, để đánh giá chính xác nhất chất lượng vaccine.
Chi Lê