Khi công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga hôm 8/3, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo rằng động thái này không chỉ gây tổn thất nặng cho Nga mà còn khiến Mỹ phải "trả giá". Ông tìm cách tránh bị chỉ trích vì điều này khi cho rằng người Mỹ sẽ hứng chịu "đợt tăng giá xăng do Tổng thống Nga Putin" gây ra.
Sau đó, trong chuyến thăm Texas, khi được hỏi liệu ông có thông điệp gì cho người dân Mỹ về giá xăng, Tổng thống Biden nói "nó sẽ tăng lên". "Không thể làm gì hơn vào lúc này", ông nói. "Nga là bên chịu trách nhiệm".
Đây là thông điệp mà Tổng thống Biden có thể phải nhắc lại nhiều lần trong những ngày tới, khi các tài xế ở Mỹ đối mặt giá xăng tăng chóng mặt. Ngày 8/3, giá xăng trung bình ở Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 4,17 USD/gallon (một gallon bằng gần 3,8 lít), theo Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA).
Giá xăng trung bình toàn quốc của Mỹ tăng 10% so với một ngày trước đó và cao hơn 55 cent cho mỗi gallon so với tuần trước. Lần giá xăng lập kỷ lục trước đây của Mỹ là vào 13 năm trước, khi giá xăng trung bình toàn quốc ở mức 4,1 USD/gallon.
Giá xăng tăng gây lo ngại về chi phí tăng của nhiều mặt hàng khác có thể giáng đòn vào cuộc sống thường nhật của người Mỹ, vào thời điểm vô cùng nhạy cảm Tổng thống Biden và đảng Dân chủ. Người Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay, nên những tác động bất lợi từ giá xăng tăng có thể khiến đảng Dân chủ đánh mất quyền kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schume, thành viên đảng Dân chủ, đã tìm cách đưa vấn đề này vượt khỏi khuôn khổ chính trị. "Rất nhiều thành viên Dân chủ tại Thượng viện và cả bản thân tôi đều nghĩ rằng quyết định đó là vấn đề đạo đức. Họ đều không muốn tiếp năng lượng cho Nga" trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, ông nói.
Trong những tuần trước, phe Cộng hòa liên tục chỉ trích Tổng thống Biden vì giá xăng tăng, cho rằng nỗ lực thúc đẩy các biện pháp chống biến đổi khí hậu của Nhà Trắng đã làm tổn hại ngành sản xuất năng lượng Mỹ.
Cũng chính những thành viên Cộng hòa này gần đây lại thúc giục ông Biden cấm nhập dầu của Nga, động thái chắc chắn sẽ khiến thị trường biến động. Năm ngoái, Mỹ đã nhập khẩu gần 700.000 thùng dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế mỗi ngày từ Nga.
Kevin McCarthy, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện, tìm cách đổ lỗi cho đảng Dân chủ, cho rằng các chính sách của họ ngay từ đầu là lý do khiến Mỹ rơi vào hoàn cảnh này. Cựu tổng thống Donald Trump ra một tuyên bố về giá xăng tăng kỷ lục ở Mỹ, cùng câu hỏi "Các bạn đã nhớ tôi chưa?".
Nghị sĩ Cộng hòa August Pfluger thì ca ngợi lệnh cấm nhập dầu từ Nga là "tuyệt vời", nhưng cho rằng bước đi đó là chưa đủ. "Đã đến lúc cần giải phóng dầu và khí đốt của Mỹ", ông nói, thêm rằng "cuộc tấn công của Nhà Trắng vào ngành công nghiệp dầu khí đã tạo ra điểm yếu của Mỹ".
Công chúng Mỹ giờ bị giằng xé giữa mong muốn hỗ trợ Ukraine và việc phải thắt chặt túi tiền giữa cảnh giá cả tăng cao. Cuộc khảo sát của Đại học Quinnipiac, công bố ngày 7/3, chỉ ra 70% người Mỹ nói họ sẽ ủng hộ lệnh cấm dầu Nga ngay cả khi phải đối mặt giá xăng cao hơn.
Nhưng nhiều tài xế tỏ ra khó chấp nhận giá xăng dầu tăng vọt lên mức kỷ lục như vậy.
"Chuyện này có thể kéo dài bao lâu? Chúng ta sẽ phải chấp nhận trả tới 4 USD, hay thậm chí 5-6 USD cho mỗi gallon sao?", Vikas Grover, một người đang đổ xăng ở Herndon, bang Virginia, nói trước khi Nhà Trắng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga.
"Điều đó sẽ phá vỡ toàn bộ kế hoạch ngân sách của gia đình", Grover than thở. "Nếu tình trạng này kéo dài, bạn biết đấy, mọi thứ sẽ sụp đổ".
David Custer, cư dân Virginia đang phải trả 60 USD để đổ đầy bình xăng chiếc SUV của mình, cho rằng Tổng thống Biden nên rút lại tất cả các sắc lệnh hành pháp bảo vệ môi trường mà ông đã ban hành, để thúc đẩy khả năng độc lập về năng lượng của Mỹ.
"Tôi sẽ bầu cho những người giải quyết vấn đề này. Lá phiếu sẽ không dành cho những người muốn tiếp tục con đường mà chúng tôi đang đi", Custer nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng giá xăng tăng là do lỗi của đảng Dân chủ. "Tôi không cho là công bằng khi chỉ trích đảng Dân chủ về điều gì đó không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của họ", Asiya Joseph, một người đổ xăng tại Brooklyn, New York nói.
Joseph cho rằng giá xăng tăng là phản ứng của thị trường trước những gì đang xảy ra ở Ukraine, thêm rằng Covid-19 cũng có thể góp phần vào thực tế đó.
Samantha Gross, giám đốc Sáng kiến An ninh Năng lượng và Khí hậu tại Viện Brookings, cho biết giá xăng tăng lên khi nhu cầu đi lại toàn cầu tăng cao sau thời kỳ đình trệ vì Covid-19. Xung đột Nga - Ukraine đã làm dấy lên những lo ngại về nguồn cung xăng dầu quốc tế, góp phần khiến giá xăng cao hơn.
"Đó thường là vấn đề chính trị lớn đối với bất cứ ai làm tổng thống và những người lãnh đạo quốc hội Mỹ", Gross nói. "Nhưng thực tế là giá dầu được thiết lập trên thị trường dựa vào tình hình toàn cầu. Quốc hội và tổng thống Mỹ có thể can thiệp rất ít vào điều đó".
Ngay cả khi Tổng thống Biden nới lỏng các quy tắc môi trường, năng lực sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên trên khắp nước Mỹ cũng khó có thể được thúc đẩy đủ nhanh để giúp giảm mức giá hiện tại, theo Will Weissert và Nathan Ellgren, hai biên tập viên của AP. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden cũng vấp nhiều chỉ trích từ đảng Cộng hòa khi tìm cách tiếp cận nước giàu dầu mỏ Venezuela để đa dạng hóa nguồn cung.
"Chúng ta không bao giờ nên nghĩ rằng dầu mỏ nước ngoài tốt hơn khả năng độc lập của Mỹ về năng lượng", nghị sĩ Yvette Herrell, thành viên Cộng hòa ở New Mexico, nói.
Bà cũng chỉ trích chính quyền ông Biden vì hủy cấp phép đường ống dầu thô Keystone XL. Tuy nhiên, ngay cả khi dự án đó được tiếp tục, nó có lẽ không được hoàn thành kịp thời để lập tức bình ổn giá xăng dầu.
Gross cho biết chính quyền Mỹ có thể tiếp tục mở Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược, như cách nước này từng làm để bình ổn đợt tăng giá xăng hồi tháng 11 năm ngoái. Nhà Trắng hôm 8/3 cam kết giải phóng thêm 90 triệu thùng từ kho dự trữ trong năm tài chính này.
"Trong ngắn hạn, đó là cách giúp bình ổn giá", Gross nói. "Nhưng về lâu dài, nếu chiến dịch quân sự của ông Putin vẫn tiếp tục, đó sẽ là tình cảnh khó khăn" với chính quyền Tổng thống Biden.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)