Quân đội Nga ngày 7/3 bất ngờ tuyên bố sẽ ngừng bắn để lập hành lang nhân đạo sơ tán dân thường tại nhiều thành phố Ukraine, gồm Kiev, Mariupol, Kharkov và Sumy.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết quyết định này được thực hiện theo đề nghị cá nhân của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người một ngày trước đã điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin và kêu gọi Nga cho phép sơ tán dân thường khỏi những thành phố Ukraine đang bị bao vây.
Theo giới quan sát, Tổng thống Macron là một trong những người năng nổ nhất tham gia vào nỗ lực xoa dịu căng thẳng Ukraine. Ngay từ đầu tháng hai, ông đã tích cực tham gia nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm tháo ngòi nổ khủng hoảng.
Khủng hoảng Ukraine bắt đầu từ cuối năm ngoái, khi phương Tây nói rằng Nga tập hợp khoảng 100.000 quân ở biên giới với Ukraine để tiến công vào nước này. Tổng thống Pháp hôm 7/2 tới Moskva hội đàm với ông Putin, trong đó hai lãnh đạo cho rằng cần đưa ra những phản ứng có ích để giải quyết khủng hoảng.
Trong cuộc gặp trực tiếp, Tổng thống Nga nhấn mạnh ông ghi nhận giới chức Pháp và cá nhân Tổng thống Macron đang nỗ lực giải quyết những vấn đề an ninh khu vực, trong đó có khủng hoảng Ukraine.
Sau khi Nga công nhận độc lập hai vùng ly khai Ukraine hôm 22/2, ông Macron tiếp tục điện đàm với ông Putin. Tuy nhiên, nỗ lực của Tổng thống Pháp không đạt được kết quả như mong đợi, khi ông Putin ngày 24/2 ra lệnh mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nhưng ông chủ Điện Elysee vẫn không nản lòng. Ngay tối 24/2, ông có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin nhằm thuyết phục người đồng cấp Nga dừng chiến dịch quân sự để ngồi vào bàn đối thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tổng thống Macron nhấn mạnh ông "có trách nhiệm" phải làm việc này để cánh cửa ngoại giao luôn rộng mở.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống Putin hôm 2/3, ông yêu cầu lãnh đạo Nga ra lệnh cho quân đội không nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine, đồng thời tạo các lối an toàn cho người dân sơ tán, đặc biệt là con đường từ phía nam của thủ đô Kiev.
"Chúng tôi không chiến tranh với Nga", ông phát biểu trên truyền hình ngày 3/3. "Chúng tôi nhận thức rõ mọi thứ liên kết chúng tôi với những người dân châu Âu vĩ đại này, những người dân Nga đã hy sinh rất nhiều trong Thế chiến II".
Tổng thống Macron khẳng định ông sẽ tiếp tục đối thoại với ông Putin nhằm thuyết phục người đồng cấp Nga dừng chiến dịch quân sự tại Ukraine.
"Tôi chọn cách giữ liên lạc với Tổng thống Putin càng lâu càng tốt, miễn là chúng còn cần thiết, để cố gắng thuyết phục ông ấy từ bỏ giao tranh và ngăn chặn xung đột lan rộng", ông nói.
Tham gia vào nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine còn có Thủ tướng Israel Naftali Bennett, người có quan hệ tốt với cả Moskva lẫn Kiev.
Thủ tướng Bennett hôm 27/2 điện đàm với Tổng thống Putin, trong đó ông đề xuất Israel muốn làm trung gian hòa giải những bất đồng giữa Nga và Ukraine.
Tuần trước, nỗ lực này tiếp tục được lãnh đạo Israel thực hiện khi ông điện đàm lần lượt với Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Nga Putin.
Thủ tướng Bennett nói rằng Israel đang tìm cách "giúp đỡ một cách lặng lẽ" trong khi vẫn duy trì các lợi ích chiến lược của riêng mình. Israel đã bày tỏ ủng hộ đối với người dân Ukraine và đã gửi 100 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho Kiev.
Trong hơn 10 ngày chiến sự vừa qua, lãnh đạo nhiều nước vẫn liên tục lên tiếng kêu gọi tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Hôm 27/2, ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN cũng ra tuyên bố kêu gọi đối thoại giữa Ukraine và Nga.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa và nỗ lực hết sức để theo đuổi đối thoại thông qua tất cả các kênh, bao gồm cả biện pháp ngoại giao, nhằm kiềm chế tình hình. Chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều khả năng cho một cuộc đối thoại hòa bình để ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát", tuyên bố có đoạn.
Phát biểu tại phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, ngày 1/3, Đại sứ Trung Quốc Trương Quân bày tỏ tin tưởng rằng căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine có thể được xoa dịu.
"Điều quan trọng nhất ngay lúc này là trở lại con đường đàm phán ngoại giao và tạo ra hòa giải chính trị càng sớm càng tốt để giúp giảm leo thang tình hình", ông nói.
Theo ông Trương, Trung Quốc ủng hộ đối thoại, đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, đồng thời khẳng định đây là cách tốt nhất để giải quyết xung đột. Đại sứ Trung Quốc cũng nói rằng cộng đồng quốc tế nên "ưu tiên hòa bình, ổn định khu vực và an ninh chung cho tất cả".
Nga và Ukraine đã tiến hành hai vòng đàm phán ở Belarus nhưng chưa đạt được kết quả đột phá về một thỏa thuận ngừng bắn. Dù vậy, hai bên không từ bỏ con đường ngoại giao và tiếp tục tiến hành đàm phán vòng ba trong hôm nay.
Phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine hôm 28/2, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ hy vọng các cuộc đối thoại trực tiếp giữa phái đoàn Nga và Ukraine sẽ khiến "không chỉ giao tranh ngừng ngay lập tức mà còn tạo ra con đường hướng tới một giải pháp ngoại giao".
Dù đến nay nỗ lực này vẫn chưa thể giải quyết cuộc khủng hoảng, giới chuyên gia nhận định nó vẫn sẽ có những tác động nhất định tới tính toán chiến lược của cả đôi bên.
"Giải pháp đúng duy nhất là hòa bình", ông Guterres nói. "Các bên đang nói chuyện bằng súng đạn, nhưng con đường đối thoại phải luôn luôn mở. Không bao giờ là quá muộn để đối thoại thiện chí và giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình".
Vũ Hoàng (Theo AFP, Times of Israel, RT)