Nga vốn là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba của Trung Quốc, đất nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, thông qua đường ống Sức mạnh Siberia được đưa vào hoạt động từ năm 2019. Hai nước được cho là cũng sắp đạt đồng thuận về dự án tiếp theo mang tên Sức mạnh Siberia 2, giúp cung cấp nhiên liệu cho Trung Quốc bằng đường ống chạy qua Mông Cổ.
"Gã khổng lồ khí đốt" Nga Gazprom hôm 4/2 xác nhận ký hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) về mua bán khí đốt trên tuyến đường ống Viễn Đông. Cùng ngày, tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga ký thỏa thuận trị giá 80 tỷ USD với CNPC nhằm cung cấp 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc thông qua Kazakhstan trong vòng 10 năm.
Các thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm Bắc Kinh nhân dịp Olympic Mùa đông của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tại cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 4/2, ông chủ Điện Kremlin cho biết các nhà khai thác dầu mỏ Nga "đã chuẩn bị những giải pháp mới rất tốt về nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc" và "ngành công nghiệp khí đốt cũng đạt bước tiến mới". Theo tính toán của Reuters, tổng giá trị các hợp đồng dầu khí mới lên tới 117,5 tỷ USD.
Nhà phân tích chính trị Nikola Mikovic của Asia Times nhận định các dòng năng lượng của Nga đang dịch chuyển sang phía đông, mặc dù nước này vẫn là nhà xuất khẩu năng lượng quan trọng cho Liên minh châu Âu (EU) ở phía tây. Cũng chưa rõ liệu Trung Quốc có thể đóng vai trò thay thế về kinh tế cho phương Tây, thị trường chính của Nga, hay không.
Tuy nhiên, nếu khủng hoảng Nga - Ukraine leo thang thành xung đột, dẫn đến Mỹ cùng các đồng minh châu Âu áp đặt những biện pháp trừng phạt hà khắc với Moskva, trong đó cấm các ngân hàng nước này tham gia hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Điện Kremlin được cho là sẽ bị đẩy về phía Trung Quốc. Mikovic cho rằng ngay cả mối đe dọa xung đột kéo dài cũng tác động lớn đến hướng dòng chảy năng lượng toàn cầu.
Nga và Trung Quốc bắt đầu mở rộng hợp tác năng lượng ngay từ khi xung đột ở miền đông Ukraine mới bắt đầu. Tháng 5/2014, một tháng sau khi phong trào đòi ly khai ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, bùng nổ, Nga bắt đầu chuyển hoạt động kinh doanh năng lượng sang châu Á.
Cùng năm đó, Gazprom và CNPC ký hợp đồng mua bán thời hạn 30 năm nhằm cung cấp 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Theo thỏa thuận này, Bắc Kinh hiện được cho là vẫn trả Moskva 148 USD/1.000 m3 khí đốt, thấp hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay là 1.100 USD/1.000 m3.
Hợp đồng mới được công bố tuần trước giữa Gazprom và CNPC cũng có thời hạn 30 năm, giúp cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống mới và thiết lập giao dịch bằng đồng euro thay vì USD, dường như là một phần trong nỗ lực "phi đô la hóa" mà giới lãnh đạo Nga tuyên bố vài năm trước.
Theo hợp đồng mới, Trung Quốc sẽ nhận khí đốt của Nga bằng đường ống đi qua vùng biển phía đông Triều Tiên, kết nối đảo Sakhalin với tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc Trung Quốc. Do đảo Sakhalin không kết nối với mạng lưới đường ống cung cấp nhiên liệu cho châu Âu của Nga, giới phân tích tin rằng hợp đồng này sẽ không ảnh hưởng đến người dùng khí đốt ở châu Âu.
Tuy nhiên, nếu Nga bị gạt khỏi hệ thống thanh toán SWIFT như đe dọa của Mỹ, các nước châu Âu sẽ không thể trả tiền nhập khẩu khí đốt cho Moskva, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh năng lượng của lục địa. Có những dấu hiệu cho thấy EU đang nỗ lực chuẩn bị ứng phó viễn cảnh không có nguồn khí đốt từ Nga.
Lượng khí đốt EU nhập khẩu từ Nga trong tháng 1 đã ở mức thấp kỷ lục. Các nước phương Tây cũng đang ra sức thuyết phục Đức hủy dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 với Nga nếu Ukraine bị tấn công. Đồng thời, EU được cho là đang tìm những nguồn cung nhiên liệu thay thế, trong đó có thể là từ Mỹ.
Vấn đề nằm ở chỗ những bên khác không thể nhanh chóng thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, một phần do những hạn chế về cơ sở hạ tầng. Na Uy, nhà cung cấp lớn thứ hai, cũng cho hay đang cung cấp khí đốt ở công suất tối đa, không thể bù đắp bất kỳ thiếu hụt nguồn cung nào từ Nga.
Mỹ được cho là đang nỗ lực giúp đồng minh bằng cách tiếp cận Qatar, nhà sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới và đứng thứ hai toàn cầu về xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng sau Australia. Tuy nhiên, nguồn cung dự phòng của Qatar khá hạn chế, bởi phần lớn lượng khí đốt xuất khẩu hiện nay được dành cho các hợp đồng dài hạn.
Hơn nữa, Nga hiện có kế hoạch tham gia xây dựng đường ống Dòng chảy Pakistan, dự án được cho là sẽ làm tăng nhu cầu khí đốt tại quốc gia Nam Á. Một số người đánh giá tình huống này có thể thúc đẩy Qatar tập trung trở lại vào thị trường Pakistan, đồng nghĩa giảm nguồn cung đến châu Âu.
Ngoài dầu khí, nhà phân tích Mikovic còn đánh giá Trung Quốc có tiềm năng thay thế châu Âu trở thành thị trường quan trọng cho cả nguồn năng lượng hạt nhân của Nga. Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosatom đã tham gia xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc.
Công ty này được cho là còn đang đàm phán với một số quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi để thăm dò tiềm năng phát triển năng lượng hạt nhân. Họ cũng đang xây dựng các lò phản ứng hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iran và Ấn Độ, đồng thời quan tâm đến khả năng mở rộng kinh doanh ở Trung Á và Đông Nam Á.
"Cuộc khủng hoảng Ukraine có thể thúc đẩy tái phân phối nguồn cung năng lượng toàn cầu trên quy mô lớn, làm chuyển hướng dòng chảy dầu khí từ tây sang đông", Mikovic kết luận.
Ánh Ngọc (Theo Asia Times)