Ở bài viết trước tôi có đề cập đến "chiêu" và "thức". Một thức là một động tác, một chiêu có thể có một hay nhiều thức. Mỗi bài quyền tất nhiên phải có nhiều chiêu. Khi đấu võ với nhau, võ sĩ không cần ra chiêu đúng theo thứ tự như trong bài quyền vì điều đó chẳng có ý nghĩa gì.
Tuy nhiên, các thức trong một chiêu thì nhất định phải tuần tự theo thứ tự, vì thức này tạo thế cho thức kia. Ví dụ đơn giản, với một chiêu có ba thức, bạn đấm vào bụng đối thủ. Đối thủ bị đau gập người xuống, bạn tiếp tục lên gối vào mặt họ. Họ bật người ra, sẵn đà chân đang lên bạn dùng ức chân hoặc ngón chân chọc thẳng vào ngực, cổ họng, quai hàm khiến đối phương bị hạ knock out.
Như vậy, cú đấm vào bụng là thức thứ nhất, cú lên gối là thức thứ hai và cú đá cao chân là thức cuối. Nếu đối thủ đỡ hoặc né được thức thứ nhất, tức là cắt đứt được chuỗi tạo thế của bạn, thì những thức sau đương nhiên không thể phát ra được. Lúc đó, bạn phải linh hoạt chuyển sang chiêu khác ngay, võ học gọi là "biến chiêu".
Trong bài quyền "trấn môn" của các môn phái, một chiêu thường có nhiều thức liên hoàn như vậy, cũng như mỗi chiêu có số thức không giống nhau. Để cho chiêu này dẫn đến chiêu kia liền mạch thành bài, thường có thức dẫn. Thức dẫn này không nằm trong chiêu nào, nó đơn giản chỉ để tạo động tác cho thức cuối của chiêu trước liền mạch với thức đầu của chiêu sau.
Nếu mua sách về tự học bài quyền mà không có sư phụ hướng dẫn, bạn cầm chắc chỉ "múa" quyền cho đẹp mắt. Chỉ có sư phụ mới biết chiêu nào trong bài quyền có bao nhiêu thức và thức nào là thức cuối của chiêu đó. Khi phân biệt được chiêu này với chiêu kia, bạn sẽ điều chỉnh hơi thở theo từng chiêu, từ đó đi hết bài quyền.
Tập quyền theo bài là tập theo thói quen, thức nọ nối tiếp thức kia, không cần suy nghĩ. Chỉ cần đối thủ bị "vô thế" là bạn có thể ra đòn liên tiếp theo thói quen, thay vì phải suy nghĩ xem nên dùng thức nào? Ví dụ bài quyền Thái Cực có 72 thức (có nơi nói 73 thức). Thực chất, chỉ có sư phụ mới biết chính xác con số vì 72 thức này chắc chắn bao gồm cả thức dẫn. Không phân biệt được các chiêu thì làm sao đi quyền? Võ thuật không phải chỉ có đánh knock out đối thủ như trên võ đài. Nó còn có các đòn thế dùng để khống chế người khác như: bắt, khóa, móc, ném, đè... Những đòn thế này bắt buộc phải có thức tạo thế.
Thái Cực quyền có dùng để chiến đấu MMA được không hay chỉ để dưỡng sinh? Xin thưa, hoàn toàn có thể. Khi đi quyền để tập hàng ngày thì tốc độ rất chậm nhưng khi giao đấu, cũng những thức đó nhưng ra quyền rất nhanh. Vậy tại sao người ta không học môn này để chiến đấu? Vì Thái Cực quyền đòi hỏi rất cao về khống chế lực. Đây là thứ khó nhất mà bất cứ người học võ nào cũng mơ ước đạt đến.
Bất kỳ môn võ nào, đánh đúng kỹ thuật là yêu cầu đầu tiên, trúng mục tiêu là yêu cầu thứ hai và dùng đủ lực là yêu cầu cuối cùng. Những mặt khác buộc phải trải qua thực chiến, rèn luyện suông không có ích gì. Nhớ lại những ngày đầu tôi đi học võ, để đánh đúng kỹ thuật, tức là "múa" cho đẹp, cũng "trần ai" lắm: miếng ván to bằng hai bàn tay để ngay trước mặt, chỉ cách hai bước chân mà đá xoay 10 phát hụt hết cả 10; khống chế lực mà để mạnh quá, không đúng điểm va chạm thì miếng ván sẽ văng đi chứ không vỡ...
Học xong ba giai đoạn này là bạn đạt được tư cách tối thiểu để đi thực chiến. Thời gian đầu, bạn sẽ chỉ toàn thua và thua, vì chiêu thức cứng nhắc, thiếu biến hóa, di chuyển không hợp lý. Vì đối thủ không phải là tấm ván, không phải là đồng môn của bạn, không đứng yên cho bạn đánh, không ra đòn theo cách bạn muốn. Đó là chưa nói, có khi chiêu thức của họ còn ngẫu nhiên khắc chế chiêu thức của mình.
Trong thực chiến, di chuyển hợp lý là quan trọng số một, rồi mới đến sức mạnh và kỹ thuật. Nó quyết định bạn có thể lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều hoặc đơn giản là bỏ chạy nếu không địch nổi. Tóm lại, giao đấu võ thuật cũng giống như đánh cờ, thay vì dùng trí để đấu với nhau trên bàn cờ thì người ta cũng dùng trí với công cụ không phải là quân cờ mà là cơ thể của bạn.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Mua cổ phiếu theo đám đông - 'thắng bạc cắc, thua cụt vốn'
>> 'Bằng giỏi nhưng CV trắng cũng chỉ làm nhân viên quèn'
Vậy, MMA là gì? Là bạn chỉ tập luyện vài chiêu mà bạn cho là phù hợp với thân thể (chân thuận, tay thuận), phù hợp với cá tính (công thủ cân bằng/ chỉ công không thủ/ thủ vững chờ đối thủ sơ hở để phản đòn...), phù hợp với hoàn cảnh (cùng hay khác môn phái)... rồi đi giao đấu kiếm tiền.
Với MMA, chỉ có thắng hoặc thua, một đấu một, không có chuyện bỏ chạy được. Nhưng ngay cả nhà vô địch MMA ra đường vẫn có thể bị đánh hội đồng vì không có võ đài, không có luật lệ hay trọng tài. Đến Lý Tiểu Long vẫn còn bị đánh suýt tàn phế, Quyền vương một thời Myke Tyson cũng bị đánh sai khớp ngón tay ngoài đường. Nếu học võ chỉ để đánh nhau hơn thua thì tốt nhất không nên học.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.