Anh ta cầm một cái ống tuýp (dùng làm khung xe đạp) bẻ một cái làm cho hai đầu ống chạm nhau. Anh ta hất hàm thách thức, tôi gật đầu. Tôi phải mất cả buổi mới hạ được vì bắp thịt của hắn che kín gần như toàn thân. Nếu hắn di chuyển nhanh hơn chút, tôi chắc chắn đo ván. Tôi hạ được anh ta toàn nhờ đánh ngã đối phương và trọng lượng của hắn đập vào nền đất làm mất sức, chứ lực đấm của tôi trúng vào người gã chắc chỉ như muỗi đốt.
Trước đó, tôi cũng từng đi giao đấu võ thuật, tất nhiên là đánh chơi cho vui, ở nơi chỉ có vài người biết (toàn là bạn bè của hai bên). Một lần nọ, bạn tôi giới thiệu một "người thách đấu". Vào trận, anh kia dằn mặt tôi bằng cách đấm vỡ 4 miếng ngói. Vậy mà tôi thắng anh ta cả chục lần do đối phương thua mà không phục, cứ đòi đấu lại. Bạn tôi mất kiên nhẫn: "Miếng ngói của anh không có chân để chạy, đấm không trúng người ta hoặc đấm trúng mà không có lực như đấm vỡ ngói thì cũng như không".
Thực chiến giúp cho ta có kinh nghiệm mà không có võ đường nào dạy cả. Thắng nhiều mà thua cũng lắm. Mất cả buổi mới thắng được đối thủ mà thua thì chỉ chưa đến 30 giây. Hai bên đều sàn sàn nhau về chiều cao, cân nặng, đai đẳng... Qua nhiều trận thua, tôi mới hiểu ra một điều: bộ pháp quyết định 70% thắng lợi.
Bộ pháp là các thế tấn khác nhau và bạn phải di chuyển bằng các thế ấy sao cho phù hợp với chiêu thức. Bộ pháp tốt, bạn có thể đánh cả buổi với đối thủ hơi nhỉnh hơn bạn. Bộ pháp yếu, chưa đến 30 giây bạn bị đo ván với một đối thủ tưởng như yếu hơn bạn.
>> Bản sao Lý Tiểu Long thua knock-out trong 6 giây - ảo tưởng võ thuật trên phim?
Bất kể là võ nào, Tây hay ta, bộ pháp là quan trọng nhất. Bộ pháp giúp ta di chuyển, công thủ vững chắc. Nếu chỉ chuyên về đòn thế hoặc sức mạnh, yếu về bộ pháp, thua nhanh lắm. Để tăng cường sức mạnh của đôi chân, bạn phải chạy 5.000 mét hàng ngày rồi muốn tập đấm đá kiểu gì cũng được. Có người đeo cả sắt vào chân khi chạy.
Võ cổ truyền đấu MMA thấy toàn thua vì mấy người đó lười di chuyển. Đối thủ đâu phải là bao cát đứng yên một chỗ cho anh đánh. Anh có công phu khủng cỡ gì đi nữa mà muốn đứng một chỗ, lấy tĩnh chế động như trong phim. Anh phải hơn người ta hẳn một đẳng cấp, giống như sư phụ đấu với đệ tử. Nhìn quyền Anh chuyên nghiệp, nếu đấu cả 12 hiệp, quãng đường di chuyển không ít hơn chạy 3.000 mét.
Xem mấy trận đấu này, tôi chỉ hay nhìn chân hai bên. Tránh né và di chuyển cũng làm cho đối thủ bị mất mục tiêu tạm thời, làm gián đoạn đòn thế của đối phương, thừa cơ phản công. Di chuyển linh hoạt, nếu có bị đấm trúng cũng làm giảm nhẹ ít nhất một nửa lực đánh. Trong trận đấu giữa Đàm Long và Huyền Vũ, bộ pháp của Đàm Long cứ như người không biết võ. Mấy cú đá cao chân không phải là khó đỡ hay khó né, chỉ vì anh di chuyển không hợp lý nên trúng đòn. Đá vào hạ bàn (thắt lưng trở xuống) mới khó đỡ.
>> 'Võ cổ truyền chắc chắn thua nếu lên võ đài đấu MMA'
Côn nhị khúc tôi cũng có tập qua. Theo lịch sử, côn nhị khúc là binh khí cận thân của người trên đảo Okinawa. Họ bị người Nhật xâm chiếm và cấm dùng binh khí bằng kim loại. Họ chế ra côn nhị khúc để tự vệ. Côn nhị khúc là binh khí tầm trung như đao kiếm nhưng kém nguy hiểm hơn vì thiếu tính sắc bén. Đối thủ chỉ cần một cây gậy hay thậm chí một cái ghế đẩu cũng phá được côn nhị khúc. Côn nhị khúc phải đánh theo vòng tròn, chiêu thức đơn điệu dễ bị bắt bài, chỉ cần làm gián đoạn đường đi của côn nhị khúc là xong, rất đơn giản. Côn nhị khúc đặc biệt khắc chế dao và các loại vũ khí ngắn nói chung. Đàm Long cho dù có côn nhị khúc cũng khó làm nên trò trống gì. Di chuyển kém linh hoạt, người ta đánh trúng tay của anh, anh sẽ tự đập cây côn ấy vào đầu mình.
Tán thủ chuyên nghiệp không dùng bao tay như quyền Anh (bao cả 5 ngón tay) mà dùng găng tay giống như găng tay thủ môn bóng đá. Mấy người tập quyền mà chuyên dùng ngón tay rất nguy hiểm. Ngón tay ấy rất cứng lại chuyên đánh vào chỗ mềm của đối phương. Những người này chuyên chọc ngón tay vào khớp khuỷu tay, nách, cổ, mạng sườn. Tôi cũng có gặp qua vài người như thế và chưa bao giờ thắng họ. Chịu đựng được 10 phút xem như là thành công. Thua cũng không phải do bị đánh đo ván mà do đau không chịu nổi. Trúng một đòn vào chỗ nào là chỗ đó bị liệt tạm thời.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Công Phượng sang châu Âu là đi ngược quy luật thế giới'
>> Tư duy VFF quyết định sự phát triển của bóng đá Việt Nam
>> 2 triệu USD thuê HLV Park để 'học' chứ không chỉ mua thành tích
Càng tập võ nhiều, giao đấu nhiều người ta càng bớt hung hăng vì họ biết trên đời này kẻ mạnh hơn mình nhiều vô số. Tóm lại, người tập võ cổ truyền do không có mục tiêu giao đấu thực chiến nên xem nhẹ bộ pháp. Tập võ một năm, bộ pháp mất nửa năm. Đặc biệt người mới học võ, gần như toàn bộ thời gian ban đầu chỉ chuyên tập bộ pháp. Người xưa luyện bộ pháp trên độn long thung – những cọc gỗ cao 1-3 mét. Ngày nay, người ta tập bộ pháp bằng cách di chuyển nhanh trên địa hình phức tạp không bằng phẳng và nhiều chướng ngại vật, vừa di chuyển vừa đánh ra quyền cước.
Kinh nghiệm thực chiến của Đàm Long có lẽ chỉ là đối luyện trong võ đường. Ở đó, người ta nể anh (anh là chén cơm của người ta) nên họ nhẹ tay.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.