Nghề gì cũng có triết lý riêng của nó, không riêng gì nghề võ. Bạn học Đại học bất cứ ngành gì, bài học đầu tiên chính là mục đích, ý nghĩa của nghề đó với xã hội. Nếu mục đích ý nghĩa ấy lạc hậu, không hợp thời thì nghề đó sẽ bị đào thải.
Nói võ cổ truyền có "sát chiêu" là không đúng. Dùng dao búa, gậy gộc cũng có thể làm chết người, cần gì tốn công học võ? Ông giáo sư kinh tế học nếu ra điều hành doanh nghiệp chắc gì hơn được học trò do chính ông dạy? Tương tự, võ sư chỉ là người dạy võ, biết rất nhiều chiêu thức từ thấp đến cao, nhưng thực chiến nhiều khi kém cả đệ tử chỉ học dăm ba thế võ.
Thế nào là chiêu thức từ thấp đến cao? Mỗi môn phái thực chất chỉ có vài bài quyền "trấn môn" mà thôi. Tuy nhiên, từng chiêu trong các bài quyền ấy có từ 5-9 thức. Thi triển hết ngần ấy thức hạn định trong một hơi thở. Người mới học làm sao thi triển được, ra được một hai thức là đã hụt hơi. Vì thế người ta tạo ra vô số bài quyền một chiêu, một thức; một chiêu, hai thức; một chiêu, ba thức...Cứ như thế tăng dần lên đến bài quyền "gốc". Không phải sư phụ giấu giếm gì mà là học trò lên không nổi. Cho nên, học võ luôn phải đi kèm với khí công, bằng không sẽ không lên nổi bài quyền "gốc". Hơi thở càng sâu, càng dài thì đẳng cấp càng cao.
Tại sao một chiêu "gốc" luôn có nhiều thức? Bởi vì thức thứ nhất tạo thế cho thức thứ hai, thức thứ hai tạo thế cho thức thứ ba... cứ như thế, thức cuối cùng chính là "sát chiêu" khi đối thủ đã hoàn toàn mất cân bằng. Không có chiêu nào là hoàn hảo cả. Nếu người ta nhìn thấy anh thi triển hết một chiêu gì đó, họ có thể sẽ nghĩ ra cách phá chiêu, tức là cắt đứt chuỗi tạo thế ấy, không cho anh thi triển hết các thức (bị cắt đứt như vậy, anh sẽ lúng túng, cũng là cơ hội để họ phản đòn). Đó là lý do người ta hạn chế giao đấu với nhau, để không tiết lộ bí mật của chiêu thức.
Thi đấu MMA, đa phần là "đệ tử" không phải "sư phụ". Bảo mấy người "đệ tử" đó mở lò dạy võ thì họ biết gì mà dạy? Không lẽ cứ một chiêu dạy hoài? Lý Tiểu Long từng mở lò dạy võ, rồi đệ tử của anh ta đâu? Không có bài quyền là không thành hệ thống, không dạy ai được, mặc dù chẳng ai dùng bài quyền để đấu với nhau.
Vì sao võ cổ truyền ngày càng đi xuống? Vì không có người nối nghiệp. Tức là, trước khi sư phụ qua đời, không có đệ tử nào lên nổi bài quyền "gốc". Không lên nổi bài quyền này thì họ đương nhiên chỉ có thể dùng những bài quyền cấp thấp chuyên dùng để luyện tập. Học những bài quyền này làm sao thực chiến? Flores đến Việt Nam khiêu chiến nhưng tôi không thấy ông ta dùng chiêu nào đặc trưng của Vịnh Xuân, ra quyền trông như Karate.
Ngày xưa người ta chiến đấu với nhau bằng đao kiếm, quyền thuật chỉ dùng để luyện tập bộ pháp, thân pháp. Chẳng ai ra chiến trường dùng nắm đấm giết địch cả. Binh lính hai bên đều mặc áo giáp, tay cầm khiên chắn, dùng nắm đấm bao giờ mới xong trận chiến? Đừng nói là võ cổ truyền, ngay cả MMA cũng đều là xem chơi cho vui. Bảo mấy võ sĩ MMA ra đấu với mấy người có vũ khí lạnh chắc không khác gì trứng chọi đá. Tay không đấu với người có gậy gộc dao búa, chỉ có ở trên phim.
Nói vậy, ngày nay người ta học võ để làm gì? Để rèn luyện thân thể hay để tự vệ? Tất cả đều sai. Mục đích cao nhất là để biết cực hạn của bản thân. Thân thể của bạn có "tố chất" lên được bài quyền "gốc" nhưng thức cuối đánh ra không có tí lực nào (vì sức lực đều đã ra hết ở các thức đầu) thì còn không bằng một cú đánh thông thường.
Người mới học võ thường dùng sức lực từ eo, tức là sức mạnh toàn thân. Những người này thường không khống chế được sức mạnh của mình. Một chiêu đánh ra không dừng lại được. Cao thủ chỉ dùng sức ở phần cơ thể nào va chạm với đối phương thôi (để tiết kiệm sức lực), chỉ cần chưa chạm vào đối phương họ có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Khống chế được sức lực mới khó, còn đập vỡ gạch ngói, luyện tập vài năm ai làm cũng được.
Nhiều người luyện tập hơn chục năm còn chưa khống chế được sức lực. Cần mạnh lại không đủ mạnh, cần yếu thì quá yếu hoặc quá mạnh. Đối thủ đâu có đứng yên một chỗ như cục gạch để cho anh đập? Họ chỉ cần nhích tới nhích lui một ly thôi là đòn đánh "vỡ đá tan bia" của anh mất hiệu lực. Nhanh thì không đủ lực, mà đủ lực lại không nhanh. Bởi vậy mới có nhiều thức để tạo thế. Nhiều thức quá thì không đủ sức để thi triển ra hết. Cuối cùng vẫn là tập võ không đến nơi.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Mua cổ phiếu theo đám đông - 'thắng bạc cắc, thua cụt vốn'
>> 'Bằng giỏi nhưng CV trắng cũng chỉ làm nhân viên quèn'
Tóm lại, học võ chừng 10 năm là biết cực hạn của bản thân, có thể chọn ra những chiêu có số thức phù hợp với hơi thở của mình. Còn học hết cả bài quyền để thực chiến thì ngày nay chắc chẳng còn mấy ai (phải là mấy người tuyệt đối đam mê võ thuật mới theo được). Học dăm ba chiêu thì thắng thua là bình thường. Đấu võ cũng giống như đánh cờ, anh bị "vô thế" (bị họ bắt bài) thì sẽ bị đánh te tua từ đầu đến cuối, dù anh và họ ngang nhau về cấp.
Tôi đánh thắng ông A, ông A thắng ông B, rồi ông B thắng tôi, vậy ai hơn, ai kém? Mấy võ sĩ MMA cũng từ võ cổ truyền mà ra, rồi người ta lại hỏi: MMA so với võ cổ truyền, ai hơn, ai kém? Hỏi như vậy có khác gì hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.