Mấy hôm nay trên diễn đàn có một bài viết nói về rapper Đen Vâu. Đồng thời, trên mạng xã hội người ta lại nói nhiều về một bài hát mà anh chàng này mới ra mắt, có tựa đề: Mang tiền về cho mẹ.
Bài hát dường như chạm trúng điểm rơi: Cuối năm Âm lịch - một tháng nữa là đến Tết, nói về những đứa con và mẹ. Khi một tác phẩm được ra mắt, công chúng có người khen kẻ chê âu cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng tôi thật lấy làm lạ khi có một số ý kiến cho rằng "mang tiền về cho mẹ" là một lời kêu gọi áp đặt. Rồi họ khoác lên đó những điều cao siêu về triết lý, lối giáo dục hiện đại. Thậm chí, có một bạn trẻ còn đặt vấn đề: Tiền cho mẹ là tiền "chết", không thể sinh lời so với việc đem đi đầu tư, gửi ngân hàng.
>> 'Người Việt cần nghỉ Tết đúng nghĩa'
Cần khẳng định ngay, tôi không phải là fan của Đen Vâu. Càng không có ý viết bài để nói rằng thế nào là đúng, thế nào là sai. Nhân dịp gợi ý "đem tiền về cho mẹ", tôi muốn chia sẻ đôi điều.
Gần mười lăm năm trước, khi tôi còn là một học sinh cấp ba, trước cửa nhà tôi thường có một chú bán vé số đến ngồi chơi. Lâu ngày thành thân quen với gia đình tôi. Một năm gần Tết nọ, chú tâm sự với gia đình tôi: Hồi trẻ chú đi bộ đội, sau đó xuất ngũ và lấy vợ. Chú ở rể nhà vợ ở cùng xã nhưng khác ấp với gia đình tôi.
Nhà chú còn mấy người anh em và một bà mẹ già ở tỉnh kề bên. Quãng đường về quê mẹ chỉ hơn 100km nhưng đã ba cái Tết rồi chú không dám về. Với một người trạc 60 tuổi bán vé số mưu sinh cho gia đình, còn gì buồn tủi hơn khi Tết không thể về quê thăm mẹ già vì không có tiền? Tiền vé xe khách, tiền quần áo mới (không đứa con nào muốn về thăm dịp Tết lại muốn cho mẹ thấy mình trong bộ quần áo cũ kỹ, phai màu), tiền quà và tiền mừng tuổi cho mẹ, dù chỉ vài trăm nghìn đồng.
Sau khi biết được tâm sự của chú, ba tôi đã cho chú mượn chút tiền để về thăm mẹ với lý do "nhà ở miền Trung, miền Bắc mỗi lần về tốn tiền triệu thì không nói, cách nhau chỉ hơn trăm cây số mà không dám về vì chẳng có nhiều tiền thì không chấp nhận được".
Sau Tết, thật bất ngờ khi chú đem hoàn trả tiền cho ba tôi và kể: Về thăm mẹ, mừng tuổi bà 500 nghìn đồng nhưng bà chỉ lấy 50 nghìn lấy lộc và bảo: "50 nghìn như 50 triệu".
Ngày đó, khi chưa trưởng thành, tôi nhiều lần suy nghĩ và thắc mắc vì sao chỉ một vé xe đò mấy chục nghìn đồng là có thể về quê thăm mẹ, thậm chí ngày Tết giá vé có tăng lên trăm nghìn thì vẫn có thể về quê được mà?
Khi lên thành phố học đại học, tốt nghiệp rồi đi làm, mỗi dịp Tết về, tôi lại càng thấm thía câu chuyện xưa. Chú bán vé số dư sức mua vé xe về quê. Nhưng chính nỗi mặc cảm một đứa con thất bại, không có nhiều tiền, không danh vọng, không thành công đã vô tình đẩy khoảng cách với mẹ già, với quê nhà dù cách hơn trăm cây số đi rất xa.
Khi tôi đã đi làm nhiều năm, mỗi dịp Tết có lương thưởng, về nhà tôi cũng mừng tuổi ba mẹ. Năm nào tiền nhiều thì mỗi người chục triệu, năm nào "hẻo" thì ít hơn. Nhưng dù nhiều hay ít thì ông bà vẫn rất vui vẻ nhận lấy. Điều bất ngờ là ông bà không hề xài mà để dành số tiền này. Khi tôi còn độc thân thì ông bà bảo "để dành cho mày lấy vợ". Nếu khi tôi đã vợ con đuề huề thì ông bà bảo "tiền này để dành cho cháu".
>> Tiền tiết kiệm bị 'bòn rút' vì về quê ăn Tết
Tết, mang tiền về cho mẹ - tôi nghiệm thấy đa số các bậc cha mẹ già có lòng tự trọng đều không mong muốn con cháu cho tiền để xài. Nhưng họ luôn mong mỏi con mừng tuổi cho mình như một thông điệp ngầm: Năm qua con vẫn ổn, vẫn làm ra tiền và vẫn có thu nhập đều đặn.
Vì thế, tôi nghĩ thông điệp "mang tiền về cho mẹ" ý nghĩa chính không nằm ở câu chữ, như một nghĩa tường minh. Mà là cha mẹ sẽ rất vui, khi con cái vẫn còn mừng tuổi mình, dù nhiều hay ít và quan trọng là con cái không hư hỏng, không gây muộn phiền về cho mình.
Vũ Quân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.