Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 21/10 phóng thử một tên lửa tại Khu phức hợp Sân bay vũ trụ Alaska để thử nghiệm thu thập dữ liệu về chương trình phát triển công nghệ siêu vượt âm. Tuy nhiên, vụ phóng thử không thành công do tên lửa bị lỗi hệ thống đẩy, thiếu tá Tim Gorman, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết.
Gorman khẳng định hệ thống đẩy được sử dụng trong thử nghiệm không phải là một phần của chương trình vũ khí siêu vượt âm và không liên quan đến Phương tiện lướt Siêu vượt âm Chung. "Tên lửa đẩy trên chỉ phục vụ mục đích thử nghiệm", Gorman cho biết và không nêu thêm chi tiết về loại tên lửa này.
Trước đó, lục quân và hải quân Mỹ ngày 20/10 thử nghiệm các nguyên mẫu thành phần vũ khí siêu vượt âm. Lầu Năm Góc cho biết cuộc thử nghiệm "chứng minh thành công các công nghệ siêu vượt âm tiên tiến cùng năng lực và nguyên mẫu của trong môi trường hoạt động thực tế".
Thử nghiệm thất bại mới nhất của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc được cho là đã tiến hành thành công 2 vụ phóng thử vũ khí siêu vượt âm trong tháng 7-8, khiến quân đội và tình báo Mỹ choáng váng về bước nhảy vọt trong công nghệ siêu vượt âm của nước này.
Mỹ và các cường quốc như Nga và Trung Quốc đang tham gia cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm, loại khí tài có tốc độ di chuyển rất cao khiến hệ thống phòng thủ của đối phương trở nên vô dụng.
Phương tiện lướt siêu vượt âm được tên lửa đẩy đưa ra ngoài tầng khí quyển, sau đó quay lại và lướt tới mục tiêu với vận tốc ít nhất là Mach 5, gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Phương tiện lướt siêu vượt âm khác với Vũ khí Siêu vượt âm Động cơ Hút khí Tự nhiên (HAWC), một loại tên lửa hành trình sử dụng động cơ scramjet nén không khí để di chuyển liên tục ở tốc độ siêu vượt âm.
Cơ quan Nghiên cứu Các dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc và tập đoàn Raytheon hồi tháng 9 thử nghiệm thành công một tên lửa HAWC, song không công bố chi tiết.
Nguyễn Tiến (Theo Drive, Reuters)