Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/10 thông báo tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk lần đầu phóng tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon ở biển Barents. Video được công bố cho thấy một tên lửa Zircon khai hỏa khi tàu đang nổi, quả còn lại được phóng từ độ sâu 40 m dưới lòng biển và đều đánh trúng mục tiêu.
Tên lửa siêu vượt âm Zircon là một trong những "siêu vũ khí" được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập trong bài phát biểu hồi tháng 12/2018. Zircon có thể đạt tốc độ tới 9.800 km/h, nhanh gấp 8 lần âm thanh (Mach 8), bắn trúng bất cứ mục tiêu nào trong khoảng cách 1.000 km và đem lại lợi thế chiến lược rất lớn cho Nga.
Vũ khí siêu vượt âm có thể cơ động, chuyển hướng trong khi bay, điều mà tên lửa đạn đạo chiến lược không làm được, khiến chúng hiệu quả hơn nhiều khi đối phó các mục tiêu di động như tàu sân bay.
Gustav Gressel, chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, cho biết vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của Zircon là diệt hạm, song tên lửa này có thể tấn công các mục tiêu trên bộ.
Nga bắt đầu phát triển Zircon vào đầu những năm 2010 và tổ chức một số cuộc thử nghiệm trong 5 năm qua. Với tốc độ Mach 8 và khả năng cơ động cao, Zircon được cho là có thể đánh bại mọi hệ thống phòng thủ hiện nay.
Nga dự kiến trang bị tên lửa siêu vượt âm này cho hàng loạt chiến hạm mặt nước và tàu ngầm, nhờ khả năng dùng chung bệ phóng thẳng đứng với tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa diệt hạm Oniks trong biên chế.
Vụ phóng thử từ tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk đánh dấu một bước phát triển đáng kể trong chương trình phát triển tên lửa siêu vượt âm Zircon, biến nó trở thành một loại vũ khí tấn công "không thể đánh chặn" thực sự.
Alexandre Vautravers, chuyên gia an ninh quốc phòng và tổng biên tập tạp chí Revue Militaire Suisse, nhận định tên lửa Zircon sẽ được các chiến hạm với khả năng ẩn mình cao nhất mang theo, với Nga đó là tàu ngầm do "nước này chưa đủ công nghệ để phát triển máy bay ném bom tàng hình tầm xa có khả năng né các hệ thống radar của Mỹ".
Trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang với NATO, tàu ngầm "là lực lượng duy nhất của Nga có cơ hội sống sót" trước đòn tấn công của Mỹ và các đồng minh, chuyên gia Gressel nhận định.
Vũ khí siêu vượt âm được đánh giá đang là lợi thế đặc biệt của Nga do các cường quốc phương Tây không đầu tư nhiều vào tên lửa chiến lược trong nhiều năm qua. "Châu Âu và Mỹ liên tục trì hoãn hiện đại hóa các hệ thống vũ khí chiến lược trong những năm qua, một số công nghệ của họ đôi khi có từ những năm 1990", Vautravers cho biết.
Lo ngại trước năng lực xuyên thủng lá chắn của tên lửa Nga, các nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Lầu Năm Góc đệ trình một báo cáo về nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách với Moskva trong nỗ lực phát triển vũ khí siêu vượt âm.
"Chúng tôi lo lắng trước việc các hệ thống radar của Mỹ hiện nay không có khả năng phát hiện, theo dõi và đánh chặn những mối đe dọa ngày càng tăng từ vũ khí siêu vượt âm", các nghị sĩ Mỹ nhấn mạnh. "Theo Chiến lược Quốc phòng, Lầu Năm Góc phải gấp rút tăng cường nỗ lực đối phó những vũ khí đó".
Vautravers cho rằng vụ phóng thử tên lửa siêu vượt âm từ tàu ngầm hạt nhân là hoạt động phô diễn sức mạnh phù hợp cách tiếp cận của Nga và dường như khởi đầu một cuộc chạy đua vũ trang chiến lược mới với Mỹ.
"Nga là quốc gia duy nhất chứng tỏ khả năng vận hành vũ khí này một cách hiệu quả. Mỹ đã phóng thử tên lửa siêu vượt âm, song từ bệ phóng riêng thay vì một chiến hạm như tàu ngầm, trong khi chương trình siêu vượt âm của Trung Quốc hoàn toàn chưa có dữ liệu đáng tin cậy", Gressel nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định chưa nên đánh giá quá cao năng lực tên lửa siêu vượt âm của Nga sau vụ thử này, bởi ngoài khai hỏa thành công, tên lửa còn phải thực hiện hành trình bay với vận tốc cực lớn mà không bị phá hủy, đồng thời đảm bảo khả năng đánh trúng mục tiêu đang di chuyển.
"Nga chứng minh được tên lửa có thể bay, song chưa có bằng chứng cho thấy họ điều chỉnh được quỹ đạo của chúng trên không", Gressel cho biết.
Video do Bộ Quốc phòng Nga công bố chỉ tập trung vào cảnh tên lửa rời tàu ngầm Severodvinsk với hình ảnh khá mờ. "Tôi muốn biết mục tiêu mà tên lửa Zircon bắn trúng lớn đến mức nào, cố định hay di động", chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định vụ thử Zircon từ tàu ngầm Nga sẽ khiến Mỹ cần nhanh chóng chứng minh khả năng làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất tên lửa siêu vượt âm, bởi đây có thể là yếu tố thay đổi tình thế.
Nỗ lực phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ từ thập niên 1980 đến nay không đạt được mục tiêu tạo ra lá chắn có khả năng chặn bất cứ loại tên lửa nào. Vautravers nhận định lá chắn của Mỹ hiện nay đối phó kém hiệu quả với tên lửa siêu vượt âm.
Theo Vautravers, nếu Nga làm chủ công nghệ vũ khí siêu vượt âm, Mỹ sẽ phải lựa chọn tập trung vào phát triển hệ thống đánh chặn hoặc đưa tên lửa siêu vượt âm trở thành ưu tiên mới của mình. "Nếu Mỹ chọn vũ khí siêu vượt âm, họ sẽ khởi động lại cuộc đua vũ trang ở cấp độ toàn cầu", Vautravers nói.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)