Tờ Yomiuri Shimbun hôm qua dẫn lời hàng loạt quan chức chính phủ Nhật Bản giấu tên cho biết nước này đang nghiên cứu khả năng trang bị tên lửa hành trình tầm xa cho các tàu ngầm đã biên chế và dự kiến chuyển giao cho Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) trong tương lai.
Loại tên lửa hành trình mới có thể phát triển trên nền tảng tên lửa diệt hạm cận âm Type 12 có tầm bắn 200 km đang được trang bị cho Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản. Tên lửa mới sẽ có tầm bắn gấp 5 lần Type 12 hiện nay.
Giới chức đang xem xét phương án phóng tên lửa qua ống ngư lôi hoặc trang bị bệ phóng thẳng đứng (VLS). JMSDF hiện không có hệ thống VLS nào trên tàu ngầm, các quan chức giấu tên cũng không tiết lộ số tên lửa các tàu ngầm có thể mang theo.
Truyền thông Nhật Bản cho biết tên lửa này có thể công kích những mục tiêu mặt đất, đặc biệt là căn cứ tên lửa đối phương "để phục vụ mục đích tự vệ". Tuy nhiên, dường như phiên bản diệt hạm sẽ được đưa vào biên chế trước, cho phép tàu ngầm Nhật Bản "tung đòn phản công nhằm vào chiến hạm đối phương từ ngoài tầm tên lửa địch".
Giới chuyên gia quân sự cho rằng Tokyo sẽ phát triển dòng tên lửa đa dụng, có khả năng tấn công cả tàu mặt nước và mục tiêu trên đất liền, tương tự dòng Tomahawk Block IV Mỹ hoặc JSM Na Uy. Điều này có thể giúp Nhật đối phó với hạm đội tàu chiến ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc, cũng như xây dựng năng lực vô hiệu hóa các căn cứ tên lửa đạn đạo của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng trong kịch bản nổ ra xung đột.
"Nhấn mạnh vào yếu tố phòng thủ cho thấy quân đội Nhật Bản đang tìm cách tuân thủ yêu cầu của hiến pháp hòa bình, trong đó có điều khoản cấm sở hữu và triển khai vũ khí tiến công. Dù vậy, điều khoản này đang mất dần hiệu lực trên thực tế, khi Nhật đang chỉnh sửa các tàu sân bay trực thăng để vận hành tiêm kích F-35B, vốn có năng lực tấn công cao hơn phòng thủ", chuyên gia quân sự Thomas Newdick nhận xét.
JMSDF đang biên chế 21 tàu ngầm diesel - điện lớp Soryu và Oyashio. Các tàu ngầm Nhật hiện chỉ được trang bị tên lửa diệt hạm UGM-84L Harpoon Block II khai hỏa qua ống phóng ngư lôi, với tầm bắn khoảng 130 km và không có khả năng tấn công mục tiêu mặt đất.
Thông tin được công bố trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishi đặt mục tiêu đưa "năng lực tấn công căn cứ đối phương" vào Chiến lược An ninh Quốc gia dự kiến công bố cuối năm 2022. Tài liệu này sẽ vạch ra hướng dẫn về chính sách quốc phòng, đối ngoại cho Nhật Bản về trung và dài hạn.
Chính phủ Nhật tuần trước công bố ngân sách năm tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ tháng 4/2022, với tổng ngân sách được đề xuất lên quốc hội là 107,6 nghìn tỷ yen (940 tỷ USD). Trong số này, ngân sách chi cho quốc phòng được đề xuất ở mức 5,4 nghìn tỷ yen (47,2 tỷ USD), cao hơn so với kỷ lục 5,34 nghìn tỷ yen hồi năm ngoái.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tình hình an ninh khu vực "đang trở nên ngày càng nghiêm trọng với tốc độ chưa từng thấy", nhấn mạnh những thách thức từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Ngoài mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên, áp lực ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc lên đảo Đài Loan cũng là lý do khiến Nhật Bản tăng cường chi tiêu quốc phòng. Giới chức quốc phòng Nhật lo ngại Trung Quốc có thể uy hiếp nhiều tuyến hàng hải quan trọng với nước này nếu kiểm soát được đảo Đài Loan, vốn chỉ nằm cách lãnh thổ Nhật Bản khoảng 100 km.
Vũ Anh (Theo Drive)