"Nên cho các học sinh nghỉ hè một tháng, nghỉ Tết hai tuần, hàng tuần cho nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Nếu vẫn thừa ngày nghỉ thì đan xen các tuần cho các em nghỉ thêm thứ sáu nữa. Như vậy sẽ kích thích được ngành du lịch, bởi vì với quỹ thời gian cuối tuần có hai, ba ngày nghỉ thì các gia đình mới tổ chức đi du lịch xa trên 100 km được. Còn như hiện tại, học sinh chỉ được nghỉ chủ nhật thì không thể nào tổ chức đi đâu được. Điều đó góp phần tránh tình trạng ngành du lịch chỉ tập trung dồn dập vào ba tháng hè xong là cả năm gần như không có hoạt động".
Đó là quan điểm của độc giả Nguyễn Đức Minh xung quanh đề xuất ngành giáo dục chia thời gian nghỉ trong năm của học sinh thành nhiều đợt. Với lịch nghỉ Tết 9 ngày của học sinh năm nay, nhiều phụ huynh nói bị động, học sinh chưa kịp vui chơi thoải mái đã phải quay lại trường. Theo khảo sát của VnExpress hôm 30/10, hơn 20.000 độc giả (hơn 83% người tham gia) cho rằng lịch nghỉ Tết 9 ngày của học sinh TP HCM là ít, mong nghỉ nhiều hơn.
Ủng hộ quan điểm rút ngắn kỳ nghỉ hè, bù sang dịp Tết và cố định lịch nghỉ hàng năm để các gia đình đỡ thấp thỏm, bạn đọc Tranquangtien bình luận: "Chia nhỏ thành nhiều kỳ nghỉ trong năm là hợp lý nhất. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng cho học sinh nghỉ một đến hai tuần vào kỳ nghỉ 30/4 - 1/5, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán... và giảm bớt nghỉ hè theo số ngày nghỉ chuyển đổi ở trên. Phải đảm bảo số ngày nghỉ trong năm của học sinh theo quy định bảo vệ sức khỏe, trí tuệ trẻ em".
Liên hệ với các kỳ nghỉ trong năm của học sinh các nước phát triển, độc giả Thinh Tan lấy dẫn chứng: "Ở Mỹ và các nước phát triển, học sinh, sinh viên luôn có các kỳ nghỉ ngắn giữa kỳ (Spring Break, Fall Break). Kỳ nghỉ này giúp học sinh có thời gian để giảm stress, đồng thời cũng có cơ hội để ôn lại những kiến thức vừa được học, nên rất hiệu quả. Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên nghiên cứu, học tập và xem xét áp dụng".
>> Cắt ngắn 3 tháng hè để học sinh không phải mong thêm ngày nghỉ Tết
Trong khi đó, với quan điểm trái ngược, bạn đọc Nguyễn Anh Dân cho rằng khó áp dụng nhiều kỳ nghỉ trong năm do khác biệt về khí hậu của các vùng miền trên cả nước: "Ở miền Bắc, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10. Ở miền Nam, mùa mưa thường bắt đầu từ cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 cho đến hết tháng 10. Riêng ở khu vực duyên hải Trung Bộ từ đèo Ngang tới mũi Dinh (Hà Tĩnh - Ninh Thuận) thì từ tháng 8 đến tháng 12.
Như vậy nếu muốn nghỉ một tháng mùa mưa thì chọn tháng nào? Không lẽ mỗi vùng miền chọn một tháng khác nhau? Còn mùa hè nghỉ một tháng thì làm sao đủ thời gian để tổ chức coi thi, chấm thi, xét tuyển vào lớp 10; coi thi, chấm thi tốt nghiệp, xét tuyển vào đại học; tập huấn chuyên môn cho giáo viên?
Còn cho học sinh nghỉ Tết một tháng trong khi cha mẹ nghỉ Tết chỉ 9-10 ngày thì ai trông chừng con trẻ? Nghỉ hè liên tục mấy tháng, cha mẹ còn có thể mang con về quê gửi ông bà trông hộ. Còn lâu lâu nghỉ một tháng thì không lẽ cứ đến tháng nghỉ lại phải đem con về quê gửi ông bà, hết tháng nghỉ lại về đón lên cho đi học? Mà đâu phải ông bà nào cũng ở gần để thuận tiện cho việc gửi con".
Cùng chung lo lắng, độc giả Lộ sĩ phân tích: "Nghỉ dài, chúng tôi phải mang con cái theo vào công ty. Có người phải đùng cái thùng carton làm thành cái chuồng để 'nhốt' con vào trong đó với một đống sách tô màu, máy tính bảng suốt tám tiếng. Vậy ai giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần cho người lao động ở thành phố?
Khoảng 10 năm trước, khi kỳ nghỉ Tết kéo dài hơn ba tuần, không một năm nào mà trên chuyến xe đi làm của bọn tôi không phải chở thêm những nhân viên nhí đi làm theo cha mẹ cả. Lũ trẻ gần như bị giam lỏng suốt tám tiếng trong phòng làm việc của ba mẹ. Đến mùa hè nhiều nhà có quê cho con về, còn con bọn tôi vẫn tiếp tục điệp khúc vào công ty cùng cha mẹ cho đến khi lớp hè mở. Tự nhiên người thành phố bọn tôi phải chịu đựng mỗi năm hai đợt hành xách như vậy sao?".
- 'Đã đến lúc người Việt được thong thả nghỉ Tết chín ngày'
- 'Nghỉ Tết bảy ngày để người Việt thảnh thơi'
- Vì sao học sinh Hà Nội nghỉ Tết ít hơn TP HCM sáu ngày?
- 'Mệt mỏi vì 29, 30 Tết mới được nghỉ'
- Cần nhiều ngày nghỉ trước Tết
- Sao phải cố dè sẻn ngày nghỉ Tết?