Đề xuất miễn học phí trường Y đang gây nhiều tranh luận trái chiều. Thực ra câu chuyện tương tự cũng từng xảy ra với ngành Sư phạm. Vài chục năm trước, khi ngành Sư phạm bắt đầu miễn học phí, thực ra cũng rất ít người muốn học để trở thành giáo viên. Lý do là bởi các ngành kinh tế khác thời đó, mức học phí mà một sinh viên phải đóng cũng chỉ có 1-1,8 triệu đồng một năm.
Trong khi đó, sau khi ra trường, lương giáo viên vẫn lẹt đẹt vì tính theo hệ số, trong khi những người làm kinh tế lương cao gấp mấy lần, chưa kể còn thêm các khoản tiền thưởng nữa. Thế nên, dù miễn học phí cũng vẫn có rất ít người muốn học Sư phạm.
Bây giờ đã có sự đảo chiều, ngành Sư phạm vẫn miễn học phí, nhưng các ngành khác đều tự chủ tài chính, nên mức học phí dao động lên tới 20-30 triệu đồng một năm. Bản thân ngành Y cũng có học phí rất cao, từ 27-200 triệu đồng mỗi năm. Thế nên, để bỏ một số tiền lớn ra theo học những ngày này là cả một vấn đề lớn với các gia đình trung lưu.
Tôi vẫn nghe người ta nói vui rằng "bây giờ ngành Sư phạm thu hút con nhà nghèo học giỏi, còn ngành Y phải là con nhà giàu học giỏi mới dám theo". Cũng đúng thôi vì phụ huynh muốn con theo ngành Y thì phải có tiền, có điều kiện kinh tế.
>> 'Tăng lương bác sĩ 20-30 triệu đồng tốt hơn miễn học phí sinh viên trường Y'
Học Y ngoài mức học phí cao, thì còn phải trải qua quá trình học tập gian khổ, khối lượng kiến thức nặng, thời gian học dài. Ấy thế nhưng để xin việc cũng rất khó, chấp nhận mức lương bác sĩ thấp khi mới ra trường. Chưa kể, nếu làm việc ở cơ sở khám chữa bệnh nhỏ thì tay nghề của họ sẽ khó được nâng cao. Khi đó, muốn mở phòng mạch ngoài để kiếm thêm thu nhập không phải dễ.
Vậy nên muốn học Y thì không chỉ có học giỏi là được, mà còn cần phải có tiềm lực tài chính. Mà đã học giỏi thì có nhiều sự lựa chọn chứ cũng chẳng nhất thiết phải học Y. Theo tôi, quan trọng nhất là phải đam mê và có lý tưởng phục vụ cao mới nên chọn ngành Y.
Vì thế, để thu hút được nhân tài có tâm huyết với ngành Y, tôi cho rằng, miễn học phí chỉ là một phần. Quan trọng nhất vẫn là tăng thu nhập cho đội ngũ y bác sĩ. Ví dụ như áp dụng hệ số lương cao, tăng phụ cấp các loại và thu hút các bác sĩ đến nơi khó khăn bằng tiền thưởng xứng đáng. Có như vậy, tình trạng thiếu hụt nhân lực mới được kiểm soát.
- Mơ mộng 'bác sĩ lương cao'
- Đòi hỏi bác sĩ cam chịu lương thấp
- Nghề y và tiền bạc
- 'Không ai ép bạn phải làm bác sĩ lương thấp'
- 'Lương công nhân gấp ba lần bác sĩ'
- Nghịch lý lương bác sĩ, giáo viên thấp hơn công nhân