"Nguyên nhân thiếu nhân lực ngành Y có phải do học phí cao hay không? Bản thân tôi cũng là một nhân viên ngành Y, làm cho bệnh viện đa khoa tỉnh gần 10 năm, những cuối cùng phải nghỉ việc với lý do: lương 6-7 triệu đồng một tháng, gia đình không đủ sống.
Đi làm vốn áp lực, cộng với công việc chuyên môn ngày càng quá tải do đông bệnh nhân, thủ tục, giấy tờ, các cuộc kiểm tra, kiểm điểm, sếp mắng, xin nghỉ hay đổi trực không được, gây gò bó, tù túng, giờ giấc nghiêm ngặt... nếu những cái khó ở trên mà đi kèm mức lương 20-30 triệu đồng một tháng thì có lẽ tôi chẳng đến mức phải nghỉ việc".
Đó là chia sẻ của độc giả Cuộc sống xung quanh đề xuất miễn học phí cho sinh viên trường Y vừa được Bộ Y tế nêu ra trong bối cảnh thiếu nhân lực. Quy mô nhân lực y tế của Việt Nam tăng 2,33% trong 10 năm qua, nhưng theo Bộ, con số này không đáng kể. Tổng số nhân lực ngành y tế hiện khoảng 431.700 người, thấp hơn nhiều so với mức 632.500 người trong Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế, giai đoạn 2011-2020.
Đồng tình với quan điểm cho rằng tăng lương cho y bác sĩ quan trọng hơn miễn học phí trường Y, bạn đọc Leanh phân tích: "Mỗi năm chúng ta có bao nhiêu sinh viên học điều dưỡng, hộ lý, y tá tốt nghiệp và bao nhiêu người làm ngành Y, bao nhiêu người bỏ ngành, bao nhiêu người đi xuất khẩu lao động? Tôi nghĩ cái thiếu ở đây là lương thấp trong khu vực bệnh viện công đã làm mất đi nguồn nhân lực này chứ không phải là học phí. Do đó, nên tăng lương và phúc lợi cho những y bác sĩ vùng khó khăn, sẽ thu hút nhân lực hơn".
Nhấn mạnh giải pháp ngăn thiếu nhân lực ngành Y, độc giả Tunguyen nhận định: "Hãy trả lương đúng và đủ cho các y bác sĩ thì sẽ đủ nhân lực. Một sinh viên Y học tận sáu năm và ngày nào cũng hai buổi trên trường, kèm theo đi trực, ấy vậy mà ra trường mức lương nhiều khi không bằng học cử nhân bốn năm ngành khác. Đó là một sự bất cập.
Một bác sĩ khi ra trường phải bỏ thêm 50-80 triệu đồng và một năm trời để đi học thực hành, lấy chứng chỉ hành nghề mới được đi làm, có lương. Điều đó thật quá bất hợp lý và tiêu hao nhiệt huyết của những người học làm bác sĩ. Khi làm việc áp lực cũng cao, chưa kể phải trực đêm, trực lễ, trực Tết mà tiền trực có khi không mua nổi một tô phở ngon. Vậy còn ai muốn gắn bó?
Bác sĩ muốn có tiền giờ toàn phải về làm thêm, khám ngoài, trong khi đáng lý ra họ phải có thời gian để nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng, cảm xúc để nuôi dưỡng tâm hồn sau những ngày vất vả ở bệnh viện, hoặc ít nhất cũng phải được ngồi đọc sách để nạp thêm kiến thức. Chỉ những bất hợp lý bề nổi này đã giảm đi bao nhiêu nhân lực ngành Y rồi".
Hiện, học phí ngành Y, Dược khoảng 27-200 triệu đồng một năm, tùy trường. Riêng các trường công tự chủ, mức cao nhất là hơn 88 triệu đồng, thuộc về ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt của Đại học Y Dược TP HCṂ (trừ chương trình liên kết quốc tế).
Việt Thành tổng hợp
- Nghề y và tiền bạc
- 'Không ai ép bạn phải làm bác sĩ lương thấp'
- Cào bằng lương bác sĩ - công nhân
- 'Lương công nhân gấp ba lần bác sĩ'
- Nghịch lý lương bác sĩ, giáo viên thấp hơn công nhân
- Tìm công bằng cho lương bác sĩ