Đọc bài viết "Đòi hỏi bác sĩ phải cam chịu lương thấp", cùng quan điểm của tác giả nhấn mạnh đòi hỏi công bằng cho lương bác sĩ, phải tương xứng với công sức họ bỏ ra, tôi xin phản hồi lại như sau:
Tôi làm nghề Luật, do đó rất thích công bằng, và nghề của tôi cũng được biểu tượng bằng một cái cân với hai đĩa thăng bằng nhau. Nhưng nghề của tôi cũng như bao nghề khác ở Việt Nam, cùng chịu cảnh thu nhập thấp không tương xứng với công sức bỏ ra, gọi ngắn gọn là lương thấp. Nói nôm na cho dễ hiểu, nghề của tôi cũng như nghề bác sĩ và nhiều nghề khác, đang kiếm sống ở một đất nước đang phát triển, vẫn còn nghèo so với khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Tôi cũng đã tham khảo bạn bè sống ở các nước trong khu vực, thấy rõ ràng tính tự lập của nền kinh tế nước ta vẫn còn thấp, phụ thuộc nước ngoài rất nhiều, và do đó chưa thể có sức bật nội tại. Nói theo ngôn ngữ ngành Y, cơ thể nền kinh tế nước ta có một hệ cơ xương vẫn yếu, do đó nó chưa có sức nhảy bật mạnh lên được. Và lẽ dĩ nhiên, khi kiếm sống ở một môi trường kinh tế thấp hơn khu vực như vậy, dân nghèo còn nhiều, thì lương bác sĩ không thấp mới lạ.
Nghề nào cũng vậy. Một số ít người giàu lên bất thường nếu không phải là có ý tưởng độc đáo, mới lạ, thì sau này đều phát hiện ra có hành vi phạm pháp cả. Như vậy, dễ hiểu nguyên nhân của tình trạng lương thấp, là bắt nguồn từ nền tảng nền kinh tế vẫn yếu, người dân còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp. Vậy lấy đâu ra mà các nghề nghiệp làm giàu được trên nền tảng nhiều người nghèo như vậy?
>> 'Đặt nặng chuyện tiền bạc thì đừng làm bác sĩ'
Hơn nữa, đặc thù của ngành Y là có khách hàng (người bệnh) lại thường là người nghèo. Nghèo thì điều kiện sinh sống mới không đảm bảo sức khỏe, mới ốm đau. Bệnh nhà giàu cũng có, nhưng ở Việt Nam, người mắc bệnh nhà giàu chắc chắn ít hơn người mắc bệnh nhà nghèo. Và người giàu ở Việt Nam bây giờ cũng không đến nỗi để mình thiếu kiến thức dẫn đến mắc bệnh. Do đó, số khách hàng (người bệnh) nhà giàu ít hơn số khách hàng nhà nghèo rất nhiều.
Và nghề Y sẽ phải chấp nhận môi trường kiếm sống này ở Việt Nam. Đã làm dịch vụ cho người nghèo, thì lấy đâu ra lương cao, hay thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra một cách tuyệt đối được? Người nghèo dĩ nhiên không đủ khả năng tài chính để chữa bệnh cho thỏa đáng, chứ nói gì đến chuyện trả công cao cho y bác sĩ để tương xứng với công sức họ bỏ ra?
Vậy chẳng lẽ y bác sĩ lại thôi, không chữa bệnh cho người nghèo nữa? Đấy là trường hợp cho bệnh viện tự chủ về tài chính. Làm dịch vụ cho bệnh nhân (người nghèo là chủ yếu), tự làm tự ăn, thì cũng chỉ được có thế, ở môi trường kinh tế đang phát triển của ta.
Thế nên, các bạn làm nghề Y đòi hỏi lương cao (thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra) thì ở đâu ra? Làm dịch vụ cho người nghèo thì lương thấp là đương nhiên, chứ sao cao được? Muốn lương cao, các bạn chỉ có thể trông vào nguồn tài trợ của những người giàu đóng góp cho ngành Y. Phải nói rõ ra là tài trợ, chứ không phải là do các bạn phục vụ bệnh nhân giàu tốt hơn bệnh nhân nghèo thì kiếm được thu thập cao. Bởi vì làm nghề Y, chữa bệnh cứu người là phải làm bằng trái tim chứ không phải làm vì tiền.
Như vậy, khi đã xác định dấn thân vào nghề Y, với khách hàng đa số là người nghèo, thì các bạn phải hiểu rằng mình làm một nghề nhân đạo, chứ không phải làm một nghề kinh doanh. Các bạn vẫn có quyền kiếm sống như bao nghề khác, nhưng tiêu chí của các bạn là làm việc nhân đạo chứ không phải làm việc kiếm lời.
Và dĩ nhiên, nhân nào quả đấy, các bạn làm công việc nhân đạo thì lại được cả xã hội trọng vọng, kính nể, chứ không có mất mát, thiệt thòi đi đâu cả. Được cả xã hội coi trọng như một nghề cao quý cũng là một cái giá xứng đáng đó chứ! Do vậy, nghành Y nên kêu gọi nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp thành công, để phụ cấp thêm cho đội ngũ y bác sĩ có thu nhập cao lên. Còn đã xác định kiếm sống ở môi trường kinh tế đang phát triển của Việt Nam, thì không thể đòi hỏi xã hội phải chi trả lương cao được.
Tất nhiên, tôi không phản đối việc các y bác sĩ lên tiếng vì lương "không đủ sống". Chúng ta vẫn cần thường xuyên quan tâm, chăm sóc đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân viên y tế để họ yên tâm công tác. Tuy nhiên, ở phía người lại, tôi mong những người làm ngành Y hãy vui vẻ làm nghề, cùng chia sẻ khó khăn với toàn xã hội, bởi ở ta nghề nào cũng khó khăn cả. Muốn thu nhập cao, tất cả các ngành nghề chứ không phải riêng gì nghành Y, phải hướng tới làm sao cho dân giàu lên, họ có tiền tiêu pha thỏa đáng, lúc ấy thì lo gì y bác sĩ làm dịch vụ cho dân lại có thu nhập thấp!
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.